✴️ Chẩn đoán rotavirus có biện pháp điều trị kịp thời

Nội dung

Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Bệnh cũng có khả năng xảy ra ở người lớn và không thể xem nhẹ.  Do đó việc phát hiện và chẩn đoán rotavirus sớm để có biện pháp điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

Chẩn đoán rotavirus thường dựa trên các triệu chứng và thăm khám lâm sàng. Một mẫu phân của người bệnh cũng có thể được thu thập sau đó phân tích trong phòng thí nghiệm để khẳng định chẩn đoán. Chủng rotavirus có thể được đặc trưng hơn nữa bằng cách thử nghiệm đặc biệt với  enzyme nghiệm miễn dịch hoặc phản ứng chuỗi polymerase, tuy nhiên loại thử nghiệm này thường không có sẵn và không cần thiết.

Nhiễm rotavirus thường bắt đầu với triệu chứng sốt và nôn, tiếp đến là tiêu chảy từ 3 – 8 ngày. Trong một số trường hợp nhiễm rotavirus có thể gây đau bụng. Đối với người lớn khỏe mạnh, nhiễm rotavirus có thể chỉ gây ra những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có biểu hiện gì cả.

Nhiễm rotavirus thường bắt đầu với triệu chứng sốt và nôn, tiếp đến là tiêu chảy từ 3 – 8 ngày

 

Đối với trẻ em, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có các triệu chứng như sau:

Bị tiểu chảy nặng hoặc tiêu chảy ra máu.

Nôn thường xuyên trong khoảng 3 giờ.

Sốt 39 độ C hoặc cao hơn.

Có vẻ lờ đờ, khó chịu hoặc đau đớn.

Có dấu hiệu hoặc triệu chứng của mất nước – khô miệng, khóc không nước mắt, ít hoặc không đi tiểu, buồn ngủ bất thường hoặc không phản ứng.

Đối với người lớn, cần đi tới bệnh viện để kiểm tra ngay khi:

Thường xuyên nôn mửa trong 1 – 2 ngày.

Nôn ra máu

Có máu lẫn trong phân

Sốt hơn 39 độ C

Có dấu hiệu hoặc triệu chứng của mất nước – khát nước, khô miệng, ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nặng, chóng mặt khi đứng lên, đầu lâng lâng.

Cần lưu ý không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho nhiễm rotavirus. Thuốc kháng sinh không có tác dụng gì đối với người bị nhiễm rotavirus. Nhiễm rotavirus là một bệnh tự giới hạn, chỉ kéo dài trong vòng một vài ngày sau đó tự chấm dứt.  Ngăn ngừa mất nước là mối quan tâm lớn nhất.

Việc điều trị bao gồm uống nhiều chất lỏng (bù nước bằng đường uống) để tránh mất nước. Khoảng 1 trong 40 trẻ em nhiễm rotavirus  đòi hỏi phải nhập viện để truyền dịch tĩnh mạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top