✴️Đau bụng trên có phải đau dạ dày? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nội dung

“Đau bụng trên có phải đau dạ dày hay không?” – Đây chính là thắc mắc của rất nhiều người. Đau bụng trên có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiêu hóa như: viêm dạ dày, viêm ruột thừa, tắc ruột, sỏi mật,… Khi cơn đau kéo dài, không rõ nguyên nhân, người bệnh nên khám với bác sĩ để có kết quả chẩn đoán chính xác.

 

1. Nguyên nhân gây đau bụng trên là gì?

Các cơ quan tiêu hóa quan trọng nằm ở vùng bụng trên rốn gồm: dạ dày, đại tràng ngang, túi mật, gan và tuyến tụy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau bụng trên, trong đó phổ biến nhất là các nguyên nhân dưới đây:

1.1. Khí đường ruột

Đau bụng trên có thể gây ra bởi hiện tượng khí đường ruột. Khí này có trong hệ tiêu hóa của người, thoát ra khỏi cơ thể qua đường miệng khi ợ hơi hoặc qua đường hậu môn khi trung tiện.

Dưới đây là các triệu chứng thường gặp của khí đường ruột:

– Cơn đau bụng trên xuất hiện theo từng đợt;

– Chướng bụng;

– Cảm giác có sự di chuyển, vận động trong dạ dày;

– Đau bụng kèm một số biểu hiện như: ợ hơi, trung tiện nhiều, tiêu chảy, táo bón.

Đau bụng trên do khi đường ruột có thể biến mất trong vòng vài giờ mà không cần điều trị. Người bệnh nên tập thói quen ăn chậm nhai kỹ. Nên hạn chế các loại thực phẩm làm tăng khí trong bụng (như bông cải xanh). Đồng thời tránh ăn kẹo cao su để tránh nuốt phải không khí vào đường tiêu hoá.

Nếu tình trạng khí đường ruột đi kèm với sốt, nôn mửa không kiểm soát, đau dữ dội, người bệnh nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

1.2. Khó tiêu

Tình trạng khó tiêu có thể gây cảm giác khó chịu hay đau bụng trên, đau dạ dày, thực quản hoặc tá tràng. Cơn đau có thể bắt nguồn từ ngực và lan xuống vùng bụng trên. Các cơn đau thường xuất hiện khi có quá nhiều axit trong dạ dày hoặc sau khi ăn thực phẩm có tính axit cao.

Ngoài ra, chứng khó tiêu có thể do viêm loét dạ dày, trào ngược axit hoặc ung thư dạ dày. Người bệnh cần xác định yếu tố dẫn đến chứng khó tiêu để có biện pháp xử lý hiệu quả. Nếu nguyên nhân do các loại thực phẩm, người bệnh nên thay đổi thói quen để loại bỏ hiện tượng này. Nếu chứng khó tiêu diễn ra nghiêm trọng và thường xuyên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và kiểm soát tình trạng bệnh.

1.3. Đau bụng trên có phải đau dạ dày – Nguyên nhân do viêm dạ dày

Viêm dạ dày khiến niêm mạc dạ dày sưng đau dẫn đến triệu chứng đau bụng trên. Bệnh viêm dạ dày cấp tính thường do nhiễm vi khuẩn (phổ biến nhất là vi khuẩn HP), xảy ra trong thời gian ngắn. Trong khi đó, viêm dạ dày mãn tính lại gây ra bởi bệnh Crohn, bệnh tự miễn, bệnh u hạt dị ứng, virus (ở những người suy giảm hệ thống miễn dịch).

Đau bụng trên là dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày.

 

1.4. Đau bụng trên có phải đau dạ dày – Do viêm dạ dày ruột

Bệnh viêm dạ dày ruột gây ra bởi một loại virus ở dạ dày. Các triệu chứng của bệnh gồm: buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, đau bụng gần mỏ ác, tiêu chảy, mất nước. Người bệnh cần tránh các bữa ăn nặng để làm giảm các triệu chứng.

Thêm vào đó, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng (như oresol) để phục hồi chất điện giải, tránh mất nước. Nhằm tránh tình trạng mất nước nặng, những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ nhỏ, những người có kèm bệnh nghiêm trọng khác cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.

1.5. Viêm ruột thừa

Tình trạng ruột thừa bị nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời ruột thừa có thể bị vỡ và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Ở giai đoạn đầu của viêm ruột thừa, cơn đau xuất hiện âm ỉ xung quanh rốn và có thể lan ra gây đau bụng trên rốn. Cơn đau tăng dần khi tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Triệu chứng đau di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế,…

1.6. Sỏi mật

Sỏi mật gây tắc nghẽn túi mật có thể gây đau bụng trên dữ dội (phía trên bên phải), kèm theo nôn mửa, dẫn đến mệt mỏi và suy kiệt. Nếu không được điều trị, sỏi mật có thể ảnh hưởng đến hoạt động của gan và tuyến tụy. Khi đó, người bệnh có thể bị vàng mắt, vàng da, nhiễm trùng tuyến tụy.

1.7. Các vấn đề về gan – tuyến tụy

Gan và tuyến tụy là những cơ quan tiêu hoá nằm ở phía trên bên phải của dạ dày. Viêm gan, viêm tụy,… và các bệnh lý khác về gan và tụy có thể làm xuất hiện triệu chứng đau bụng trên bên phải. Ngoài ra, các vấn đề về gan và tụy còn dẫn đến một số triệu chứng như: vàng da, vàng mắt, buồn nôn, nôn, nước tiểu đậm màu.

1.8. Tắc ruột dẫn đến đau bụng trên

Việc ngừng lưu thông của hơi và dịch tiêu hóa trong lòng ruột gây ra hội chứng tắc ruột, dẫn đến đau bụng trên dữ dội, táo bón, khó tiêu, kém hấp thụ thức ăn. Ngoài đau bụng, tùy vào vị trí ruột bị tắc có thể dẫn đến các triệu chứng khác nhau như: đầy bụng, giảm vị giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, bụng sưng phù,…

 

2. Người bị đau bụng trên khi nào cần gặp bác sĩ?

Trên đây là các bệnh lý có thể gây triệu chứng đau bụng trên. Để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Đặc biệt, người bệnh cần gặp bác sĩ ngay trong các trường hợp sau:

– Nôn kéo dài hơn 12 giờ;

– Đau bụng trên đi kèm triệu chứng sốt;

– Đau bụng xuất hiện sau một chấn thương, ví dụ như bị đánh vào dạ dày,…

– Cơn đau xuất hiện sau khi dùng một loại thuốc mới;

– Đau bụng trên xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu (do quá trình điều trị ức chế miễn dịch, do nhiễm HIV,…).

Đặc biệt, người bệnh cần được tiến hành cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu:

– Vùng bụng trên bên phải xuất hiện cơn đau dữ dội;

– Phụ nữ mang thai có triệu chứng đau bụng trên dữ dội;

– Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng: môi nứt nẻ, da rất khô, chóng mặt, mắt trũng, không tiểu tiện.

Triệu chứng đau bụng trên có thể gây ra bởi việc ăn uống, không nguy hiểm và có thể hết sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý như viêm dạ dày, viêm ruột thừa, tắc ruột hay sỏi mật. Do đó khi có biểu hiện đau bụng trên, người bệnh đến đến bệnh viện thăm khám để có chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng xử lý hiệu quả nhất.

 

3. Cách chẩn đoán đau bụng trên

Hiện nay, nội soi dạ dày là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán, kiểm tra tình trạng đau bụng trên. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường, tổn thương tại dạ dày – tá tràng, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả cho từng trường hợp.

Bên cạnh phương pháp nội soi dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định một số chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra triệu chứng đau bụng trên như: siêu âm ổ bụng; chụp X-quang; chụp MRI để biết tình trạng về gan, mật….

Như vậy, bài viết đã trả lời câu hỏi “Đau bụng trên có phải đau dạ dày?”. Đau bụng trên là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm, không chỉ các vấn đề về dạ dày. Khi có triệu chứng đau bụng trên hoặc các bất thường khác về tiêu hoá, người bệnh cần đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top