Gan nhiễm mỡ là khi khi chất béo được tích tụ trong gan vượt quá mức 5% tổng trọng lượng của gan. Hầu hết trong các trường hợp gan nhiễm mỡ chủ yếu đều là ứ đọng chất béo triglycerides, chỉ có một vài trường hợp là chất béo phospholipids.
Gan nhiễm mỡ là kết quả của một số bệnh lý và những thói quen sống khác nhau. Các bệnh lý về chuyển hóa, rối loạn dinh dưỡng đến việc sử dụng thuốc và tình trạng nghiện rượu đều có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Hầu hết các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ đều không có biểu hiện của bất kỳ triệu chứng nào. Đa số các trường hợp đều là tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ, một số bệnh nhân được chẩn đoán gan to, men gan có sự thay đổi.
Các biểu hiện của gan nhiễm mỡ là rất ít, bao gồm người bệnh có cảm giác hay mệt mỏi và khó chịu ở vùng hạ sườn phải. Một số bệnh nhân nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng vàng da, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
Khi gan nhiễm mỡ bước vào giai đoạn nặng, làm mất chức năng gan hoặc xơ gan sẽ có những biểu hiện rõ ràng như vàng da, vàng mắt, lòng bàn tay son, phù chân, sao mạch, báng bụng, giãn tĩnh mạch thực quản hoặc biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa.
Vào những giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ thường không gây ra các biến chứng gì ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, bệnh nhân không biết rằng mình mắc bệnh và không được điều trị từ sớm. Ngoài ra, không phải ai cũng biết rằng gan nhiễm mỡ kéo dài có thể dẫn đến xơ gan, suy giảm chức năng gan. Việc gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ sẽ còn tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh và biến chứng của bệnh:
Tỷ lệ mỡ chiếm từ 5 – 10% tổng trọng lượng gan, vì là giai đoạn đầu của bệnh nên các dấu hiệu thường rất nhẹ và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Ở giai đoạn này, việc cần làm chỉ là thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường vận động thể dục thể thao chứ chưa cần điều trị bằng thuốc.
Là giai đoạn thứ 2 của bệnh, tỉ lệ mỡ lúc này rơi vào khoảng từ 10 – 25% tổng trọng lượng gan. Mặc dù trong giai đoạn này vẫn chưa gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe người bệnh, nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì gan nhiễm mỡ cấp độ 2 có thể chuyển biến sang cấp độ 3.
Là giai đoạn cuối của gan nhiễm mỡ và là giai đoạn nguy hiểm nhất, làm mất đi chức năng của gan, rất khó để điều trị và hồi phục, thậm chí có thể gây tử vong hoặc tăng các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ? Câu trả lời là 3 cấp độ, trong đó cấp độ 3 là cấp độ nặng nhất. Để đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa việc gan nhiễm mỡ tiến triển đến giai đoạn cuối, người bệnh tốt nhất nên đi thăm khám định kỳ tại các chuyên khoa gan mật mỗi 3 – 6 tháng một lần.
Thực tế hiện nay chưa có phương pháp nào đặc trị hoàn toàn gan nhiễm mỡ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị theo nguyên nhân gây bệnh nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu những nguyên nhân này.
– Trường hợp gan nhiễm mỡ do thừa cân, béo phì: Phương pháp điều trị chủ yếu là xây dựng chế độ ăn hợp lý và tập luyện khoa học giúp giảm cân hiệu quả.
– Nếu là gan nhiễm mỡ do rượu thì cần ngưng uống rượu ngay, nếu việc ngừng uống rượu quá khó thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để tiến hành cai rượu.
– Đối với trường hợp gan nhiễm mỡ do dùng thuốc: Cần ngưng ngay các loại thuốc gây độc cho gan và thay thế bằng các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.
– Gan nhiễm mỡ do mắc bệnh chuyển hóa, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường thì cần phải chú trọng kiểm soát lượng đường trong máu, luôn giữ ở mức bình thường.
– Nếu gan nhiễm mỡ là do viêm gan siêu vi: Cần tập trung điều trị để kiểm soát tình trạng viêm và hạn chế những biến chứng bất lợi có thể dẫn đến xơ gan.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin để trả lời câu hỏi “gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ?”. Nếu bạn đang là người bệnh bị gan nhiễm mỡ hay không thì bạn cũng nên thăm khám thường xuyên tại các chuyên khoa gan mật để được chẩn đoán, tầm soát và điều trị từ sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh