Viêm gan D là bệnh một bệnh nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn lây nhiễm cũng như cách điều trị căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh viêm gan D là gì?
Được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1977, căn bệnh này do virus viêm gan D (Hepatitis D Virus) gây nên. HDV có bộ gen là một RNA vòng sợi đơn tạo bởi 1679 nucleotide. Loại virus này tồn tại dựa vào phần vỏ của virus viêm gan B (HBV). Loại virus này không có đầy đủ các thành phần của bộ máy di truyền. Nên để sinh sôi được, nó thường kết hợp với HBV theo kiểu đồng nhiễm hoặc bội nhiễm. Vì vậy, những bệnh nhân đã hoặc đang mắc viêm gan B mới có thể bị nhiếm HDV.
2. Mối quan hệ giữa căn bệnh viêm gan D và viêm gan B
Hai loại virus này kết hợp với nhau theo kiểu bội nhiễm hoặc đồng nhiễm
2.1. Đồng nhiễm viêm gan D và viêm gan B
Tình trạng đồng nhiễm là khi nhiễm đồng thời cả hai loại viêm gan. Sự đồng nhiễm có khả năng dẫn đến suy gan tối cấp ở 1% số bệnh nhân. Nhiễm HBV và HDV mạn xảy ra ở gần 5% số bệnh nhân.
2.2. Bội nhiễm viêm gan D và viêm gan B
Tình trạng bội nhiệm là khi bệnh nhân đã nhiễm HBV, sau đó dương tính với HEV. Sự lây nhiễm này có thể dẫn tới suy gan tối cấp với tỷ lệ 5%. Khoảng 80-90% số ca bệnh bội nhiễm sẽ bị trở thành viêm gan mạn tính.
Bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều biến chứng hơn khi dương tính với cả hai loại virus, kể cả đồng nhiễm và bội nhiễm, so với chỉ nhiễm HBV. Bệnh có thể tiến triển nhanh dẫn đến xơ gan, nhất là ở những ca mắc viêm gan cấp tính, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào.Trong tất cả các virus kết hợp với virus viêm gan B, tỷ lệ bệnh nhân tử vong bởi HDV là cao nhất, lên đến 20%.
3. Viêm gan D nguy hiểm như thế nào?
Do người bệnh khi nhiễm HDV cũng đang hoặc đã nhiễm HBV trước đó nên khả năng bị suy gan, xơ gan và ung thư gan sẽ cao hơn.
Sự tấn công cùng lúc của cả 2 loại virus sẽ khiến tế bào Kupffer hoạt động quá mức. Trong đó tế bào Kupffer là một loại đại thực bào chuyên tạo phản ứng miễn dịch nhằm xử lý các loại virus, vi khuẩn, hồng cầu giả chết …. Việc hoạt động quá mức của loại tế bào này làm phóng thích các chất gây viêm như TNF – α, TGF – β, Interleukin … làm hoại tử các tế bào gan, làm gan dễ bị xơ và nhanh mắc phải ung thư gan.
Ngoài ra, ở những người lành mang virus HBV trạng thái không hoạt động, nhiễm HDV nó sẽ làm kích hoạt virus viêm gan B bùng phát trở lại. Hai loại virus cùng kết hợp hủy hoại tế bào gan một cách nghiêm trọng hơn.
4. Dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh viêm gan D
Ở giai đoạn mắc viêm gan cấp, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như:
– Mệt mỏi.
– Chán ăn.
– Đau bụng trên, phía bên phải.
– Đau cơ và đau khớp.
Khi bệnh trở nặng, HDV kết hợp với virus viêm gan B phá hoại các tế bào gan, sẽ khiến gan bị tổn thương. Các triệu chứng xuất hiện do gan bị tổn thương là:
– Giảm cân không kiểm soát.
– Ngứa da dữ dội.
– Bụng sưng.
– Mắt cá chân sưng.
– Vàng da và vàng mắt.
5. HDV lây nhiễm như thế nào?
Chỉ có những người đã có kháng thể chống lại HBV mới không bị mắc viêm gan D. Do vậy, những người chưa tiêm phòng vắc xin viêm gan B hay nói cách khác là những người chưa có khả năng miễn nhiễm với virus viêm gan B là đối tượng thuận lợi để HDV xâm nhập và tấn công.
Do có liên quan mật thiết với nhau nên HDV cũng xâm nhập theo những con đường giống với HBV:
– Đường máu: truyền máu, sử dụng chung bơm kim tiêm, những dụng cụ dính máu hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân dễ dính máu như bàn chải đánh răng hay dao cạo dâu với người bị bệnh sẽ làm lây nhiễm virus sang người khỏe mạnh.
– Đường tình dục: Virus HDV có trong dịch âm đạo, tinh dịch nên có thể lây lan khi quan hệ tình dục. Sinh hoạt tình dục không an toàn, không dùng các biện pháp bảo vệ như bao cao su sẽ là nguồn lây nhiễm virus cho cộng đồng.
– Từ mẹ sang con: Những bà mẹ trong thời gian mang thai bị nhiễm virus viêm gan B hoặc cả 2 loại virus viêm gan B và D sẽ rất dễ lây truyền bệnh sang cho thai nhi.
6. Cách phòng ngừa nhiễm virus
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng viêm gan D. Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Vắc xin viêm gan B có thể được tiêm cả ở trẻ em và người trưởng thành. Bên cạnh đó, chúng ta có thể biết được các cách ngăn chặn con đường lây lan của virus như:
– Sử dụng biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
– Không sử dụng bơm kim tiêm đã qua sử dụng, dụng cụ y tế và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày với người khác.
– Phụ nữ bị viêm gan B trong thời gian mang thai cần đến các cơ sở y tế thăm khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh. Ngoài ra, cần có các biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B hoặc D cho thai nhi.
– Khi có vết thương hở cần băng lại cẩn thận. Nếu cần thiết phải chạm vào vết thương hở của người khác cần đeo găng tay y tế để bảo vệ.
7. Các phương pháp điều trị
Thuốc Pegylated interferon alpha có hiệu quả trong việc làm giảm lượng virus. Tác dụng này không còn khi ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của thuốc thường ở dưới mức 20%. Một số thuốc khác cũng có tác dụng ức chế sự xâm nhập virus vào tế bào gan như Myrcludex B… nhưng hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Lưu ý: Thuốc điều trị viêm gan D kể trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng khi chưa có hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ, tránh hậu quả đáng tiếc.
Virus HDV rất nguy hiểm với tỷ lệ biến chứng xơ gan, suy gan và ưng thư gan cao. Tuy nhiên, loại virus này chỉ có thể tồn tại khi có sự xuất hiện của virus viêm gan B. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng chống cả bệnh viêm gan B và D đó là tiêm phòng viêm gan B tại các cơ sở y tế có uy tín.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh