✴️ Rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh cần làm gì?

Nội dung

Rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn xảy ra ở người lớn. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này cũng như các dấu hiệu nhận biết ra sao? Sau khi uống kháng sinh bị rối loạn tiêu hóa cần xử trí thế nào? Tất cả những kiến thức ấy sẽ được hé lộ thông qua bài viết chuyên sâu sau đây, cùng tìm hiểu!

 

1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh

Thuốc kháng sinh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm đều có các biệt dược riêng. Các loại biệt dược này là nguyên do dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Bình thường tỷ lệ vi khuẩn có lợi – có hại ở ruột luôn duy trì cân bằng theo tỷ lệ 85% – 15%. Điều này đảm bảo quá trình tiêu hóa, vận chuyển chất dinh dưỡng diễn ra trơn tru cũng như hạn chế vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên khi đưa kháng sinh vào cơ thể, chúng có thể gây ức chế các lợi khuẩn, phá vỡ thế cân bằng trong đường ruột. Kết quả người bệnh dễ mắc loạn khuẩn đường ruột.

Nghiên cứu chỉ ra rất nhiều người bị rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh ampicillin, clindamycin, cephalosporin erythromycin… Nồng độ kháng sinh tồn tại trong ruột khá lâu. Chúng có thể vô tình tiêu diệt vi khuẩn có lợi, đẩy mạnh sự phát triển của chủng vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc tăng khả năng xâm nhập cho vi khuẩn mới. Việc này dẫn tới tình trạng người bệnh đi ngoài hoặc bị viêm ruột do kháng sinh.

 

2. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa do kháng sinh

Phần lớn trường hợp bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh đều có triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Bệnh nhân sẽ bị đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng hoặc đổi màu. Rất hiếm ca bệnh nhân nào phát sốt hay ớn lạnh. Các biểu hiện bệnh có thể sẽ biến mất ngay khi người bệnh dừng uống loại kháng sinh gây bệnh khoảng 2 ngày.

Bạn có thể phân biệt triệu chứng của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn với do kháng sinh dựa trên đặc điểm sau:

– Rối loạn tiêu hóa bởi kháng sinh chỉ gặp ở người đang trong quá trình điều trị với phác đồ thuốc. Bệnh nhân thường đi ngoài, không sốt, dấu hiệu tiêu biến nhanh nếu dừng uống thuốc.

– Rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn: người bệnh sốt cao, đau bụng, tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn mỗi ngày. Với mỗi trường hợp đều cần biện pháp can thiệp riêng.

Một số trẻ nhỏ sau khi uống kháng sinh còn có thể có biểu hiện như phân có máu, đau quặn bụng, nôn ói,… Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch yếu càng dễ gặp phải tình trạng này. Bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ tiêu hóa thăm khám kịp thời.

Người bệnh rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh có thể đi ngoài, đau bụng,..

 

3. Trị và ngừa rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh

3.1 Xử trí rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh

Phải làm gì nếu gặp phải hiện tượng rối loạn tiêu hóa bởi kháng sinh. Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà hay cần đến viện? Câu trả lời là tùy theo cấp độ nặng nhẹ của hiện tượng rối loạn tiêu hóa mà bệnh nhân sẽ cần xử trí khác nhau:

– Đầu tiên khi có biểu hiện bệnh, bạn cần đến thăm khám tại các địa chỉ uy tín để được chẩn đoán tình trạng bệnh chuẩn nhất.

– Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định bạn ngưng dùng loại kháng sinh dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ca bệnh nhẹ, các triệu chứng bất thường sẽ tự hết sau khi ngưng dùng thuốc.

– Bác sĩ có thể tư vấn bạn đổi loại kháng sinh thích hợp, không gây rối loạn tiêu hóa mà vẫn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh.

– Với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn những chế phẩm vi sinh có lợi nhằm cân bằng đường ruột.

– Bệnh nhân cần xây dựng 1 chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tăng cường ăn uống các loại hoa quả tươi, nước ép, rau củ theo mùa,…Hạn chế ăn các món dầu mỡ, cay chua tránh gây kích thích đường ruột.

– Người bệnh nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu hóa.

– Uống nhiều nước cũng là 1 khuyến cáo quan trọng từ chuyên gia. Người lớn có thể bù nước với dung dịch oresol, trẻ nhỏ tăng cường uống sữa, bú sữa mẹ.

– Chế độ nghỉ ngơi hợp lý kết hợp rèn luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng.

3.2. Phòng tránh rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh

Cần làm gì để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa khi uống kháng sinh? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người thường xuyên phải sử dụng thuốc kháng sinh quan tâm. Dưới đây là 1 số lưu ý giúp bạn hạn chế được tác dụng không mong muốn với hệ tiêu hóa của thuốc kháng sinh:

– Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ: Người bệnh không tự ý tăng giảm liều lượng thuốc hay kết hợp với các loại thuốc khác. Không bỏ dở phác đồ giữa chừng hoặc tự kéo dài thêm thời gian sử dụng thuốc.

– Có thể sử dụng thuốc men vi sinh hoặc các chế phẩm men vi sinh khác để giữ đường ruột luôn cân bằng.

– Duy trì chế độ ăn lành mạnh với nhiều món ăn bổ sung lợi khuẩn như: sữa chua, ngũ cốc nguyên cám, rau chân vịt, súp lơ,…

– Vận động nhẹ nhàng: đạp xe, chạy bộ,… khoảng 30 phút mỗi ngày để nâng cao đề kháng cho chính mình.

– Tham vấn ý kiến của thầy thuốc ngay khi uống thuốc kháng sinh mà xuất hiện những triệu chứng nhỏ như: đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, đi ngoài,…

Trên đây là bài viết về vấn đề “rối loạn tiêu hóa sau khi uống kháng sinh“. Hy vọng bài viết hữu ích và giúp bạn chăm sóc tốt nhất hệ tiêu hóa bản thân mình!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top