✴️ Viêm gan E được phát hiện, điều trị và phòng ngừa thế nào?

Nội dung

1. Cấu tạo và chu kỳ sống của virus viêm gan E

1.1. Cấu tạo HEV

Hepatitis E virus (HEV) là có bộ gen loại RNA, không có vỏ bọc, thuộc họ Herpesviridae. Chúng chứa một chuỗi đơn RNA có độ dài xấp xỉ 7,500 base và có đường kính khoảng từ 27nm – 34nm.

Chuỗi RNA dương trong bộ gen của HEV gồm 3 khung đọc mở (viết tắt là ORFs – opening reading frames). ORF lớn nhất có vai trò hình thành và nhân lên của virus, chứa 1693 codon, mã hóa cho các protein phi cấu trúc. ORF thứ hai mã hóa cho các protein cấu trúc với 660 codon. Chức năng của ORF thứ ba chưa được xác định, gồm 123 codon, mã hóa cho một protein cấu trúc.

HEV là một loại virus chuỗi đơn RNA có khả năng gây viêm gan

1.2. Chu kỳ sống của virus viêm gan E

Chu kỳ sống của HEV gồm 9 bước như sau:

– Virus thông qua các protein HSPGs, HSC70 hoặc các thụ thể giả định khác để gắn vào bề mặt tế bào, từ đó xâm nhập vào tế bào nhờ một thụ thể đặc hiệu.

– Hạt virus (virion) xâm nhập tế bào, bỏ lớp vỏ và giải phóng bộ gen RNA dương vào bào tương của tế bào.

– Dịch mã ra các polyprotein phi cấu trúc ORF1 trong bào tương từ mẫu là bộ gen RNA của HEV.

– Chuỗi RNA âm được tổng hợp có khả năng nhân lên từ bộ gen RNA dương.

– Chuỗi RNA âm này là khuôn để sao chép ra một bổ RNA dương mới, thế hệ con của bộ gen RNA của HEV.

– Những đoạn dưới gen của bộ gen RNA dương được dịch mã thành các protein ORF2 và ORF3 protein.

– Hạt virus mới được tạo nên từ protein bao bọc ORF2 gói bộ gen RNA của virus

– Vận chuyển hạt virus mới ra đời đến màng tế bào, với sự tham gia của các protein ORF3.

– Các hạt virus mới ra đời được giải phóng khỏi các tế bào bị nhiễm bệnh.

2. Khả năng lây truyền của HEV

Loại virus viêm gan này lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng, phần lớn do ô nhiễm nguồn nước từ chất thải. Các đường lây khác của virus bao gồm:

– Truyền qua thực phẩm: ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhiễm bệnh; ăn hải sản có vỏ chưa nấu chín hoặc còn sống.

– Qua các sản phẩm máu nhiễm virus.

– Lây truyền từ thai phụ sang con.

Con người được xem là vật chủ tự nhiên của virus HEV. Tuy nhiên, kháng thể chống virus hoặc các virus có liên quan chặt chẽ với HEV cũng được tìm thấy ở các loài linh trưởng và một số động vật khác.

Đây là bệnh viêm gan thường liên quan đến các đợt dịch lớn do HEV lây truyền theo chủ yếu theo đường nước hoặc thực phẩm ô nhiễm. Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tình trạng không đảm bảo vệ sinh trong các khu vực có sự phát tán HEV trong phân.

3. Phát hiện tình trạng nhiễm HEV

3.1. Viêm gan E có nguy hiểm không?

Đây là một bệnh lý viêm gan có thể  tự giới hạn và khỏi trong vòng 4 đến 6 tuần. Tuy vật, giai đoạn cấp tính của bệnh có thể dẫn đến viêm gan tối cấp, suy gan cấp và gây tử vong (dù rất hiếm gặp). Đặc biệt, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc viêm gan tối cấp, gây biến chứng sản khoa và đe dọa tính mạng do HEV.

Trường hợp nhiễm HEV thể mạn tính là hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở những người bị kìm hãm miễn dịch hoặc những người bệnh được ghép tạng. Người bệnh bị kìm hãm miễn dịch cũng là đối tượng duy nhất gặp tình trạng tái hoạt động của HEV. Thể mạn tính trong một số trường hợp có thể gây xơ gan.

3.2. Triệu chứng nhiễm HEV

Sau khi phơi nhiễm với virus, thời kỳ ủ bệnh thường diễn ra trong khoảng 3 đến 8 tuần, trung bình là 40 ngày. Hiện chưa xác định rõ ràng các giai đoạn của thời gian lây nhiễm.

HEV gây viêm gan cấp rời rạc và bùng phát thành dịch. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm HEV cao nhất, hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, khó chẩn đoán vì không có vàng da. Trong khi đó, nhiễm HEV có triệu chứng phổ biến nhất ở những người từ 15 – 40 tuổi.

Sau đây là các dấu hiệu điển hình của người nhiễm virus viêm gan E:

– Chán ăn, ăn mất ngon, không có cảm giác thèm ăn.

– Vàng da là triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh, đồng thời người bệnh còn vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu.

– Gan to, cảm giác đau khi ấn vào vùng gan.

– Đau bụng vùng thượng vị cũng là triệu chứng điển hình của bệnh.

– Người bệnh còn có thể gặp các dấu hiệu như buồn nôn và nôn, sốt.

Triệu chứng của bệnh viêm gan do HEV rất khó để phân biệt với viêm gan cấp do các virus khác, thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần

3.3. Chẩn đoán viêm gan E bằng xét nghiệm

Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, rất khó để phân biệt các bệnh viêm gan do virus, trong đó có HEV. Phát hiện kháng thể IgM và IgG đặc hiệu với HEV trong máu là phương pháp thường được ứng dụng để chẩn đoán bệnh lý này.

Bên cạnh đó, xét nghiệm phản ứng ứng chuỗi polymerase sao chép ngược cũng có thể được chỉ định để phát hiện HEV-RNA trong máu và/hoặc trong phân. Đây là xét nghiệm chỉ có thể thực hiện được ở các cơ sở xét nghiệm chuyên ngành.

4. Hướng điều trị bệnh

Nhìn chung người nhiễm HEV thường không cần nhập viện điều trị vì bệnh thường tự giới hạn. Tuy nhiên trường hợp viêm gan tối cấp cần được nhập viện để điều trị. Đồng thời, việc điều trị cần được xem xét đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng mắc bệnh.

Hiện nay chưa có loại thuốc nào có khả năng thay đổi quá trình viêm gan E cấp tính. Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn các liệu pháp hỗ trợ. Theo đó, người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh uống rượu bia. Mặt khác, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh gây tổn thương gan, nhất là acetaminophen.

Ribavirin là loại thuốc có thể ứng dụng trong điều trị trường hợp mạn tính. HEV trong máu có khả năng được làm sạch bằng việc dùng ribavirin liều lượng thấp trong khoảng 3 tháng đối với hơn 60% ca bệnh mạn. Peginterferon hoặc kết hợp giữa peginterferon và ribavirin là các phương pháp điều trị khác có thể áp dụng. Lưu ý rằng việc dùng thuốc bắt buộc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị

Liệu pháp kìm hãm miễn dịch thường có liên quan đến sự nhiễm HEV mạn. Tuy nhiên ảnh hưởng của các thuốc ức chế miễn dịch lên bệnh lý này vẫn chưa được hiểu rõ. Virus có thể được thải sạch cách làm giảm tạm thời mức độ kìm hãm miễn dịch ở một số người được ghép tạng rắn.

5. Phòng ngừa HEV

Để ngăn chặn sự lây nhiễm virus gây bệnh, sự chủ động phòng ngừa của mỗi người là giải pháp hữu hiệu nhất. Nguy cơ mắc bệnh có thể giảm thiểu bằng những cách như sau:

– Các quốc gia cần thiết lập và duy trì tiêu chuẩn chất lượng cho các nguồn nước công cộng. Đồng thời, các chất thải vệ sinh cần được xử lý thích hợp bằng các hệ thống hiện đại.

– Mỗi người cần có thói quen vệ sinh sạch sẽ, rửa tay đúng cách trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh,…

– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch, không uống các loại nước hay nước đá không rõ nguồn gốc, không biết độ sạch.

– Tiêm vaccine chủng ngừa HEV cũng là cách phòng bệnh hiệu quả.

Viêm gan E là bệnh nguy hiểm có tỷ lệ mắc bệnh khả cao ở Việt Nam do điều kiện khí hậu nhiệt đới mưa ẩm, đặc biệt dễ lây lan sau những trận lũ. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh, từ đó có cách phòng tránh tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top