✴️ Viêm loét dạ dày cấp tính: Sẽ ra sao nếu không được xử trí đúng cách?

Nội dung

Viêm loét dạ dày cấp tính được coi là thời điểm “vàng” trong điều trị dứt điểm bệnh. Việc nhận biết đúng các dấu hiệu là rất quan trọng, giúp người bệnh chủ động tiến hành thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và nhận chỉ định điều trị đúng cách từ sớm.

 

1. Loét dạ dày cấp tính là gì?

Viêm loét dạ dày phát triển qua 2 giai đoạn: từ cấp tính tới mạn tính.

Viêm dạ dày cấp thường gây ra các triệu chứng một cách đột ngột trong thời gian ngắn. Tình trạng sưng, viêm kèm phù nề ở niêm mạc dạ dày dẫn tới những cơn đau bất thường ở vùng bụng thượng vị cùng một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa với mức độ nặng nhẹ tùy thuộc tình trạng bệnh cụ thể.

 

2. Nhận biết đúng triệu chứng viêm loét cấp tính

Đa số các trường hợp, người bệnh bị viêm loét dạ dày cấp thường không có những triệu chứng quá đặc hiệu hay rõ ràng nào. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bạn có thể nhận diện một số triệu chứng từ nhẹ đến nặng cảnh báo về bệnh như sau:

– Chán ăn, cảm giác ăn uống không được ngon miệng;

– Ợ hơi, ợ nóng, cảm giác đầy hơi và ăn khó tiêu;

– Buồn nôn, nôn sau mỗi bữa ăn;

– Đau quanh vùng bụng thượng vị;

– Đôi khi còn có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa do vết loét tại niêm mạc dạ dày gây tổn thương tới các mao mạch máu. Biểu hiện là người bệnh nôn ra máu vón cục hoặc có màu đen như bã cà phê, đi tiêu ra phân đen.

Lưu ý:

Khi người bệnh nhận thấy có các dấu hiệu gợi ý nêu trên cần chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác về bệnh lý và nhanh chóng có biện pháp can thiệp đúng cách.

Thêm nữa, người bệnh cần đặc biệt lưu ý nếu các dấu hiệu trên kéo dài quá 1 tuần và đặc biệt là việc xuất hiện triệu chứng nôn ra máu, đi tiêu ra phân đen thì cần thăm khám ngay lập tức.

 

3. Sẽ ra sao nếu viêm dạ dày cấp không được xử lý đúng cách?

Bệnh viêm dạ dày cấp thường có đặc điểm là các triệu chứng sẽ chỉ rầm rộ trong 3-4 ngày đầu rồi giảm dần ở 1-2 tuần tiếp theo. Đa số các vết viêm loét nhỏ có thể tự khỏi hoàn toàn trong vòng 1 tháng.

Với các ổ viêm loét dạ dày lớn hơn sẽ cần được can thiệp điều trị đúng cách. Trường hợp viêm dạ dày cấp không được xử trí kịp thời thì sẽ phát triển sang giai đoạn viêm loét mạn tính. Đối với người bệnh loét dạ dày mạn tính, nguy cơ xảy ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, biến chứng nghiêm trọng thủng dạ dày, ung thư dạ dày sẽ cao hơn, gây ra những triệu chứng tiêu hóa khó chịu cho người bệnh và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Chính vì thế, có thể nói, giai đoạn viêm loét cấp tính chính là thời điểm “vàng” điều trị giúp dứt điểm bệnh nhanh chóng, hiệu quả.

 

4. Chẩn đoán bệnh và điều trị viêm loét dạ dày cấp tính đúng cách

4.1. Phương pháp chẩn đoán loét dạ dày cấp tính

Để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày cấp một cách toàn diện và chính xác nhất, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để tìm hiểu về tiền sử, bệnh sử cũng như các triệu chứng cơ năng người bệnh gặp phải. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thăm khám toàn diện, đặc biệt trú trọng vào các dấu hiệu của ổ bụng, nhất là ấn đau vùng bụng thượng vị.

Sau khi được chẩn đoán sơ bộ, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nhằm khẳng định về viêm dạ dày cấp:

– Xét nghiệm máu giúp đánh giá về sức khỏe tổng quát;

– Kiểm tra vi khuẩn HP dương tính trong dạ dày bằng các xét nghiệm như xét nghiệm máu, test hơi thở ure hoặc phân tích mẫu nước bọt,…;

– Xét nghiệm phân để tìm sự hiện diện của hồng cầu trong mẫu phân. Xét nghiệm này nhằm khẳng định có hay không tình trạng xuất huyết từ các vết viêm loét dạ dày;

– Nội soi dạ dày là biện pháp quan sát trực tiếp lớp niêm mạc dạ dày nhằm đánh giá mức độ, vị trí của vết loét;

– Sinh thiết mô dạ dày giúp khẳng định chẩn đoán;

– Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, người bệnh còn được chỉ định các cận lâm sàng hỗ trợ như siêu âm tổng quát hoặc chụp Xquang.

3.2. Điều trị loét dạ dày cấp tính theo đúng chỉ định

Việc điều trị viêm dạ dày cấp tính cần tuân thủ nguyên tắc là trú trọng loại trừ nguyên nhân gây bệnh, kết hợp cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Cụ thể, người bệnh khi được chẩn đoán viêm dạ dày cấp cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ đưa ra.

Khi đã xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể. Viêm dạ dày cấp có thể được tiến hành điều trị tốt bằng các loại thuốc sau:

– Thuốc kháng axit

– Nhóm thuốc ức chế bơm proton

– Thuốc kháng thụ thể H2

– Thuốc hỗ trợ bảo vệ tốt lớp niêm mạc thành dạ dày

– Thuốc tiêu diệt vi khuẩn H.pylori

Loét dạ dày cấp tính cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để nhanh chóng dứt điểm bệnh và không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Trên hết, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị từ bác sĩ, áp dụng chế độ ăn khoa học, sinh hoạt điều độ và đừng quên thực hiện tái khám định kỳ để tầm soát bệnh tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top