Polyp mũi là những khối u lành tính, mềm, không đau, phát triển từ niêm mạc mũi và xoang bị viêm mạn tính, thường xuất hiện tại các xoang dẫn lưu về mũi, đặc biệt là xoang sàng và xoang hàm. Các polyp này có thể đơn độc hoặc xuất hiện thành cụm, gây cản trở luồng khí, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, khứu giác và làm tăng nguy cơ biến chứng tại đường hô hấp trên và dưới.
Polyp mũi có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng thường phổ biến hơn ở người trên 40 tuổi hoặc trẻ em có bệnh lý nền như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính…
Polyp mũi là những khối mềm, không đau ở bên trong mũi, thường xuất hiện ở những xoang phía trên dẫn lưu về mũi
Polyp mũi được xem là hệ quả của tình trạng viêm mạn tính niêm mạc mũi – xoang. Mặc dù cơ chế bệnh sinh chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng các yếu tố sau đây được xem là yếu tố khởi phát và nguy cơ chính:
Tình trạng viêm niêm mạc mũi – xoang kéo dài (đặc biệt không điều trị dứt điểm), biểu hiện với:
Đau âm ỉ vùng mặt
Nghẹt mũi, chảy mũi mủ
Giảm hoặc mất khứu giác … dẫn đến tổn thương mô niêm mạc và hình thành polyp.
Viêm mũi xoang mạn tính không được xem xét điều trị đúng cũng tăng nguy cơ hình thành polyp
Là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp dưới, đặc trưng bởi tình trạng tăng đáp ứng đường thở, thường gặp ở trẻ em và người lớn trẻ tuổi. Nhiều nghiên cứu ghi nhận: bệnh nhân hen phế quản có nguy cơ hình thành polyp mũi cao hơn so với dân số chung, dù chưa xác định rõ mối liên hệ cơ chế.
Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, mạt bụi… kích thích niêm mạc mũi dẫn đến:
Hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi
Tăng tiết dịch, phù nề niêm mạc Lâu dài sẽ thúc đẩy quá trình viêm mạn tính, tạo điều kiện hình thành polyp mũi.
Một số người có cơ địa quá mẫn với aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) thường đi kèm hội chứng “tam chứng Samter”: hen phế quản – polyp mũi – không dung nạp aspirin.
Nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp, polyp mũi có thể dẫn đến:
Tắc nghẽn mũi xoang, giảm thông khí, gây giảm/mất khứu giác.
Nhiễm trùng tái diễn: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản.
Trường hợp nặng, polyp lớn có thể làm biến dạng cấu trúc mũi xoang, lan xuống hầu họng hoặc gây viêm giãn phế quản, hen khó kiểm soát.
Để phòng ngừa hình thành hoặc tái phát polyp mũi, cần thực hiện các biện pháp sau:
Điều trị triệt để viêm mũi xoang cấp và mạn, không để tái phát kéo dài.
Tránh tiếp xúc với dị nguyên nếu có cơ địa dị ứng: bụi, khói, phấn hoa, lông thú…
Kiểm soát hen phế quản hiệu quả theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu và tránh môi trường ô nhiễm.
Vệ sinh cá nhân và môi trường sống thường xuyên: giữ ẩm không khí, làm sạch phòng ở, dùng khẩu trang khi ra ngoài.
Rèn luyện thể lực, nâng cao sức đề kháng: thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý.
Tuân thủ điều trị y khoa nếu đã được chẩn đoán polyp mũi: không tự ý dùng thuốc, không ngưng thuốc khi chưa có chỉ định.
Điều trị bất thường ở mũi xoang cũng là cách phòng bệnh polyp mũi
Polyp mũi là bệnh lý lành tính nhưng dễ tái phát và ảnh hưởng đến chất lượng sống nếu không được quản lý đúng cách. Việc phòng ngừa hiệu quả, phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ có vai trò quyết định trong kiểm soát bệnh, phòng tránh biến chứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh