✴️ Xét nghiệm BNP

Xét nghiệm BNP là gì?

Tên gọi khác của BNP hoặc các xét nghiệm liên quan đến BNP bao gồm:

  • Peptide natriuretic loại B
  • N-terminal pro b-type natri peptide
  • proBNP
  • Peptide natriuretic

Tâm thất trái là một phần của tim chịu trách nhiệm chính trong việc bơm máu giàu oxy khắp cơ thể. BNP là hormon mà tâm thất trái của tim sản xuất để giúp điều hòa lượng máu. Nếu gặp khó khăn trong việc bơm máu, tim sẽ tiết ra nhiều BNP hơn bình thường. Vì lý do này, bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm BNP như một chỉ số đánh giá về việc tim hoạt động hiệu quả như thế nào.

Khi nào tiến hành xét nghiệm BNP?

Bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm BNP cho những người nghi ngờ có thể bị suy tim.

Suy tim là tình trạng tim không bơm máu đủ hiệu quả để hỗ trợ nhu cầu của cơ thể hoặc khi tim không thư giãn theo chu kì bình thường, dẫn đến áp lực trong tim tăng cao.

Tuy nhiên, bất kỳ yếu tố nào có thể làm tăng áp lực trong tim hoặc làm căng các buồng nhĩ của tim, chẳng hạn như thuyên tắc phổi cũng có thể gây ra nồng độ BNP tăng cao.

Một số dấu hiệu cho thấy một người có thể bị suy tim bao gồm:

  • Cảm thấy dễ mệt mỏi, khó thở
  • Sưng phù không rõ nguyên nhân ở mắt cá chân, bàn chân, và dạ dày
  • Tăng cân
  • Buồn nôn, khó tập trung
  • Nhịp tim không đều, cao bất thường.

Xét nghiệm BNP thường được kết hợp với các xét nghiệm máu khác có thể giúp phát hiện suy tim. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng xét nghiệm để giúp tiên lượng bệnh vì nồng độ BNP tăng cao có thể làm tăng nguy cơ ngay cả ở những người không bị suy tim.

Xét nghiệm BNP cũng có thể được tiến hành để đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị suy tim

Chuẩn bị trước khi thực hiện

Bệnh nhân thường không cần phải thực hiện bất kỳ sự chuẩn bị nào trước khi xét nghiệm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tư vấn cho các cá nhân về bất kỳ yêu cầu cụ thể nào khác.

      xét nghiệm BNP

Kết quả

Chỉ số bình thường của BNP có thể khác nhau tùy theo tham chiếu của phòng xét nghiệm, nhưng thông thường chỉ số dưới 100 picogram BNP trên mililit (pg/ml) máu. Điều này có nghĩa là nếu kết quả hơn 100 pg/ml cho thấy người đó có khả năng bị suy tim.

Dưới đây là bảng tham khảo mức độ BNP trong máu (theo đơn vị tính pg/ml). Tuy nhiên, giá trị có thể thay đổi theo từng đối tượng, độ tuổi khác nhau, vì vậy nên thảo luận kết quả với bác sĩ.

Tuổi

Nữ

Nam

Dưới 45

35 hoặc thấp hơn

64 hoặc thấp hơn

Từ 46 - 60

36 - 52

46 - 60

Từ 61 - 82

53 - 91

96 - 163

Từ 83 trở lên

93 hoặc thấp hơn

167 hoặc thấp hơn

Lưu ý là một số xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả âm tính giả, có thể cho ra giá trị bình thường của BNP trong khi một người bị suy tim.

Tỷ lệ chính xác của xét nghiệm này lên đến 98% trong chẩn đoán suy tim. Tập thể dục có thể khiến mức độ BNP tăng tạm thời. Tình trạng căng thẳng làm tăng nồng độ hormone cortisol cũng có thể tạm thời làm tăng nồng độ BNP.

Theo Tạp chí Tim mạch Châu Âu, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ BNP của một người bao gồm:

  • Tuổi: Mức độ BNP có xu hướng cao hơn ở người lớn tuổi.
  • Giới tính: Phụ nữ có mức độ BNP cao hơn một chút so với nam giới
  • Một số loại thuốc: Các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu làm giảm nồng độ BNP, trong khi các loại thuốc chẹn beta có thể khiến nồng độ BNP thay đổi.
  • Một số tình trạng bệnh lý khác: Các bệnh lý khác như suy thận, bệnh phổi hoặc béo phì có thể ảnh hưởng đến mức độ BNP.

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ BNP, vì vậy bác sĩ sẽ giải thích kết quả kết hợp với các xét nghiệm khác đồng thời cũng sẽ xem xét sức khỏe tổng thể, nắm bắt các triệu chứng.

Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm, kỹ thuật khác để chẩn đoán nếu cần.

Những kết quả này có nghĩa là gì?

Xét nghiệm BNP như một chỉ số cho biết một người có bị suy tim hay không. Nếu xét nghiệm cho thấy mức độ BNP thấp hoặc bình thường, bác sĩ có thể loại trừ khả năng này. Nếu mức độ BNP cao hơn bình thường có thể đề nghị các xét nghiệm, kỹ thuật bổ sung như:

  • Thăm khám lâm sàng
  • Xét nghiệm công thức máu
  • Siêu âm tim
  • chụp X-quang ngực
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Thông tim, chụp cộng hưởng từ (MRI) tim.

​     

Làm thế nào để hạ thấp mức BNP?

Cải thiện sức khỏe tim mạch có thể giúp giảm tác động của suy tim và các bệnh tim khác. Một số biện pháp lành mạnh có thể thực hiện bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế hoặc không sử dụng đồ uống có cồn
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Giảm căng thẳng bằng cách tập yoga hoặc thiền
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 15 đến 30 phút mỗi ngày
  • Ngủ đủ giấc

Bác sĩ có thể đề xuất thực hiện những biện pháp hỗ trợ sau tùy thuộc vào nguyên nhân khiến nồng độ BNP tăng cao:

  • Sử dụng máy hỗ trợ ngưng thở khi ngủ.
  • Giảm sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Điều trị các bệnh như huyết áp cao và tiểu đường
  • Dùng thuốc điều trị suy tim như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (thuốc ức chế men chuyển) hoặc thuốc chẹn beta.
  • Uống thuốc lợi tiểu.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, thay thế van tim, hoặc đặt máy tạo nhịp tim nếu cần.

Thăm khám thường xuyên để theo dõi mức độ BNP. Thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào bác sĩ để duy trì sức khỏe tim tốt nhất.

Tóm lược

BNP là một trong những nhóm xét nghiệm máu đo mức brain peptide natriuretic trong máu. Đây là một trong một số xét nghiệm có thể sử dụng để giúp chẩn đoán suy tim.

Nếu nồng độ BNP cao hơn bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu bổ sung để chẩn đoán chính xác hơn.

Nên nói chuyện với bác sĩ nếu có thắc mắc hoặc quan tâm về kết quả xét nghiệm BNP.

Tìm hiểu thêm: Các yếu tố nguy cơ của suy tim

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top