Trong một cuộc khảo sát vào năm 2009 trên 6.000 bậc phụ huynh Mỹ, được tiến hành bởi Opinion Research Corporation, 40% nói rằng họ rất quan tâm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị bệnh cho trẻ, so với chỉ 23% trong cuộc khảo sát chỉ trước đó 1 năm, vào năm 2008. Theo bác sỹ nhi khoa Hilary McClafferty thuộc Đại học North Carolina (Mỹ), “các bậc cha mẹ ngày nay đều muốn con mình được sử dụng các liệu pháp điều trị tự nhiên, không dùng thuốc mà vẫn mang lại hiệu quả.”
Tất nhiên, một điều bạn luôn nhớ là hãy đưa trẻ tới bác sỹ khám nếu trẻ gặp phải một vấn đề sức khỏe nào đó cần can thiệp y khoa.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn áp dụng các liệu pháp điều trị tự nhiên có cơ sở khoa học và đã được các chuyên gia khuyến cáo thì có thể tham khảo những liệu pháp và thảo mộc sau đây.
Giải pháp: Hoa cúc La Mã
Cúc La Mã có tác dụng làm giảm tình trạng co thắt đường tiêu hóa và trấn an tinh thần. Trên thực tế, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng thành phần có hoạt tính trong cúc La Mã có tác dụng gây an thần nhẹ mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Hãy hãm trà hoa cúc trong nước sôi khoảng 5 phút, để nguội tại nhiệt độ phòng rồi cho trẻ uống từ 30 – 60 ml.
Bằng chứng: Cúc La Mã là một thảo mộc được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị chứng đau bụng colic (khóc dạ đề) ở trẻ em, các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh hiệu quả này. Trong một nghiên cứu ở Italy trên đối tượng trẻ em bú mẹ bị đau bụng colic, thời gian trẻ quấy khóc giam tới 85% ở những trẻ được sử dụng trà thảo mộc cúc La Mã.
Lưu ý: Trong một số hiếm các trường hợp, trẻ trên 6 tháng tuổi bị mẫn cảm với cỏ phấn hương (một loài thực vật tương tự cúc La Mã) cũng có thể bị phát ban sau khi uống trà hoa cúc. Nếu bạn nhận thấy trẻ xuất hiện những ban đỏ sau khi sử dụng cúc La Mã, hãy ngừng cho trẻ uống và đưa trẻ tới ngay bác sỹ.
Giải pháp: Quế
Trong quế có chứa một hoạt chất có thể tác động trực tiếp lên các tế bào kích thích thu nhận các phân tử đường vào bên trong tế bào và do đó làm hạ đường huyết. Tuy nhiên, do đây là một lĩnh vực nghiên cứu khá mới nên các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình khám phá cơ chế chính xác làm thế nào quế có thể giúp hạ đường huyết.
Bằng chứng: Các nghiên cứu trên đối tượng người trưởng thành đã chỉ ra rằng quế có thể giúp giảm đường huyết khi thêm vào các loại đồ ăn và đồ uống. Trong một nghiên cứu trên bệnh nhân mắc tiểu đường type 2, nồng độ đường huyết đã giảm đáng kể trong nhóm bệnh nhân sử dụng từ một nửa cho tới 2,5 thìa cà phê bột quế/ngày.
Lưu ý: Việc bổ sung thêm quế vào chế độ dinh dưỡng nên kết hợp cả với thay đổi lối sống. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên sử dụng bột quế rắc thêm vào các món ăn và giảm đường trong các món ăn của trẻ để đạt được hiệu quả cao nhất.
Giải pháp: Kẹo cao su
Các chuyên gia Nhi khoa cho rằng, kẹo cao su kích thích tiết nước bọt, làm trung hòa acid dạ dày và giúp trẻ dễ nuốt hơn. Nó có thể giúp hỗ trợ đưa thức ăn "di chuyển" trong đường tiêu hóa nhanh hơn và giảm tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản. Mặc dù tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng theo ước tính nhiều trẻ lớn hơn cũng đôi khi bị ợ nóng. Những trẻ bị thừa cân sẽ có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày hơn những trẻ khác.
Bằng chứng: Một nghiên cứu khoa học tại Anh chỉ ra rằng nhai kẹo cao su sau bữa ăn có thể giúp giảm acid trong thực quản và tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản. Kẹo cao su có thể sử dụng an toàn cho trẻ em trên 4 tuổi.
Lưu ý: Nhai kẹo cao su còn được chứng minh có lợi cho răng, giúp làm tăng tiết nước bọt để rửa trôi các phân tử thức ăn và giảm acid sinh ra từ các mảng bám, do vậ có thể hạn chế sâu răng ở trẻ em. Lưu ý rằng, hãy chọn các loại kẹo cao su không đường.
Giải pháp: Lô hội
Những hợp chất có trong lô hội giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương bằng cách tăng cường tuần hoàn máu tới những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng làn da. Điều này giúp cho cơ thể của trẻ có thể tự chữa lành được các vết cháy nắng trên da nhanh hơn. Lô hội còn là một chất dưỡng ẩm, giúp cung cấp độ ẩm cho da để đẩy nhanh quá trình liền da.
Bằng chứng: Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Burns, lô hội giúp rút ngắn thời gian làm lành vết thương đối với bỏng mức độ 1 và 2 tới gần 9 ngày.
Lưu ý: Lô hội dạng gel bôi có chứa hàm lượng hoạt chất cao nhất, các loại lotion hoặc kem bôi dưỡng ẩm thường chứa lô hội với hàm lượng thấp hơn.
Bạn cũng có thể tự trồng lô hội tại nhà hoặc mua lá lô hội bán tại các cửa hàng. Hãy rửa sạch lá, bổ đôi theo chiều dọc để lấy phần gel bên trong và bôi lên vết tổn thương. Cần đặc biệt lưu ý không làm dính nhựa hoặc phần vỏ lá lên da vì có thể gâ kích ứng, dị ứng.
Giải pháp: Gừng
Gừng có đặc tính chống co thắt, giúp giảm các cơn đau bụng co thắt gây buồn nôn. Đây là một liệu pháp điều trị rất hiệu quả đối với các trường hợp buồn nôn và đau dạ dày.
Bằng chứng: Một nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng người trưởng thành có tiền sử bị say tàu xe, những người này được sử dụng viên nang chứa 1.000 mg gừng trước khi trải qua một thí nghiệm mô phỏng tình trạng lắc lư trên tàu xe. Kết quả cho thấy gừng làm giảm đáng kể triệu chứng buồn nôn. Mặc dù nghiên cứu chỉ được tiến hành trên người lớn nhưng kết quả hoàn toàn có thể áp dụng được cho đối tượng trẻ nhỏ.
Lưu ý: Hãy cho trẻ nhấp một chút trà gừng khoảng 30 phút trước khi lên ô tô được pha theo công thức sau đây: Thêm một thìa cà phê bột gừng vào khoảng 120 ml nước sôi và hãm trong 5 phút, sau đó cho trẻ uống ấm hoặc thêm đá, có thể làm ngọt bằng một chút mật ong.
Giải pháp: Táo
Quercetin, một flavonoid có trong táo, có tác dụng ức chế sự giải phóng histamine – một chất trung gian hóa học gây viêm và dị ứng có thể kích thích sự tăng tiết chất nhầy, gây hắt hơi và chảy nước mắt. Bổ sung thêm những thực phẩm giàu quercetin vào chế độ ăn của trẻ có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng hoặc rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Bằng chứng: Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Allery and Clinical Immunology đã chứng minh quercetin (bào chế dưới dạng thực phẩm bổ sung) có tác dụng hiệu quả hơn các thuốc kháng histamine kê đơn.
Lưu ý: Mặc dù trên thị trường có sẵn quercetin dưới dạng viên uống bổ sung nhưng các bác sỹ khuyên rằng trẻ nên cung cấp quercetin bằng các thực phẩm hàng ngày, như việt quất, mâm xôi và hành tây, do ngoài quercetin những thực phẩm này còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và các dưỡng chất quan trọng khác.
Giải pháp: Mật ong
Theo tiến sỹ Kemper thuộc Trung tâm y tế Wake Forest, mật ong có tác dụng làm dịu các niêm mạc bị kích thích bằng cách tạo lớp màng bao phủ, giúp giảm đau khi nuốt. Ngoài ra, mật ong còn chứa các chất chống oxy hóa và các chất kháng khuẩn giúp đẩy lùi bệnh tật.
Bằng chứng: Trong một nghiên cứu tiến hành bởi Đại học bang Penn trên hơn 100 trẻ em trên 2 tuổi, cho trẻ uống một thìa đầy mật ong 30 phút trước khi đi ngủ có thể giúp làm dịu cơn ho tốt hơn so với các sirô ho không kê đơn hay so với trường hợp không được điều trị. Các bậc cha mẹ cũng công nhận rằng mật ong có hiệu quả tốt hơn sirô ho trong việc làm giảm tần suất và mức độ nặng của cơn ho, cũng như giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Lưu ý: Không được sử dụng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi bởi hệ miễn dịch non nớt của trẻ chưa đủ mạnh để chống lại các vi khuẩn tồn tại trong một số loại mật ong.
Giải pháp: Probiotic
Probiotic là các vi khuẩn có lợi có mặt trong sữa chua, bơ, một số thực phẩm từ đậu nành và cả đồ uống lẫn thực phẩm chức năng. Probiotic giúp giảm tình trạng tiêu chảy do kháng sinh bằng cách bổ sung các lợi khuẩn đường ruột đã bị tiêu diệt bởi kháng sinh. Đối với tiêu chảy do nhiễm khuẩn, người ta tin rằng các vi khuẩn có lợi trong probiotic có thể cạnh tranh với các hại khuẩn trong hệ tiêu hóa và tiêu diệt cả những vi khuẩn gây bệnh.
Bằng chứng: Trong một nghiên cứu tổng quan đăng trên tạp chí Journal of Clinical Gastroenterology, đã chứng minh hiệu quả của probiotic trong các bệnh tiêu chảy do vi khuẩn và tiêu chảy do kháng sinh.
Lưu ý: Các chủng lợi khuẩn như Lactobacillus reuteri dường như có tác dụng tốt nhất trong điều trị tiêu chảy. Do vậy, bạn hãy đọc kỹ nhãn một số thực phẩm xem có chứa loại vi khuẩn này không và mua về cho trẻ sử dụng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh