✴️ Vị thuốc Sâu ban miêu

A. Mô tả con sâu

Tên sâu ban miêu được dùng để chỉ nhiều thứ sâu có tính chất gây rộp da giống nhau, vả đều được dùng làm thuốc. Sau đây là một số chính:

  • Sâu Caniharis vesicatoria là một thứ sâu nhỏ, có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài từ 15- 20mm, ngang 4-6mm. Đầu hình tim có một rãnh dọc ở giữa đầu, râu đen hình sợi, có 11 đốt. Giữa đầu và ngực có một chỗ thắt lại. Ngực cũng có một rãnh dọc, bụng dài tròn, dưới cánh cứng là hai cánh mềm, trong. Chân gầy, con đực nhỏ hơn con cái, mùi rất hăng, khó chịu, vị không có gì đặc biệt, nhưng da nơi sâu chạm phải (lưỡi, môi) sẽ bị rộp lên. Ở các nước khác (Pháp, Ý, Anh …) sâu này sống trên các cây táo, cây bông, cây liễu v.v… Việt Nam có thấy con này nhưng ít dùng.
  • Sâu ban miêu ở Việt Nam hay dùng gọi là sâu đậu vì sống trên cây đậu cùng loài với sâu ban miêu Trung Quốc. Sâu ban miều Trung Quốc và một số nước khác thuộc giống Mylabris, cũng có râu gồm 11 đốt, đốt cuối phình lớn lên, thân hơi khum màu đen với các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt, có khi thân màu vàng với các điểm hay dải ngang màu đen.

B. Phân bố, thu bắt và chế biến 

  • Sâu ban miêu sống hoang dại ở khắp các tỉnh nước ta. Vào sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, lúc sâu chưa tỉnh người ta đi bắt hoặc lắc cành lá cho sâu ngã vào túi vải, hoặc có khi dùng vợt để vợt.
  • Ở Việt Nam mùa bắt vào giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 (Khoảng 20-4 đến 15-5 âm lịch). Sau đó nhúng cả túi hay vợt vào nước sôi cho sâu chết. Có nơi sau khi sâu chết lại hơ trên hơi dấm đun sôi rồi mới đem phơi cho khô hoặc sấy trong tủ sấy ở nhiệt độ thấp. Sâu ban miêu phải đựng trong lọ kín, để nơi khô ráo, vì ẩm sẽ làm hỏng sâu.
  • Trong y học cổ truyền, khi dùng còn ngắt bỏ đầu, bỏ ruột (Cấu đốt sau cùng rồi rút ra, ruột sẽ ra theo). Khi dùng còn sao với gạo nếp 1-2 lẩn để giảm bớt độ độc.
  • Việc bảo quản sâu ban miêu rất khó, vì có một số sâu bọ khác hay ăn các bộ phận mềm của sâu ban miêu. Muốn bảo quản thường người ta cho một ít long não hay thủy ngân vào đáy lọ. Hoặc ngay sau khi ở lò sấy ra, còn đang nóng cho ngay vào các lọ đã tiệt trùng rồi đậy kín. Thời gian gần đây, do việc sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu hóa học, thêm vào việc sử dụng sâu ban miêu có giảm nên việc thu bắt sâu ban miêu hầu như không được chú ý.

 Phân bố, thu bắt và chế biến

C. Thành phần hóa học 

  • Trong sâu ban miêu ngoài các chất phụ như photphat, axit uric, một dầu béo màu lục không có tính chất gây phồng, có chất cantharidin là hoạt chất gây phồng da với hàm lượng tới 0,4%. (Sâu ban miêu thuộc chi Mylabris có thể có tới 1,25%). Chất cantharidin C10H12 do Robiquet tìm ra năm 1813, một phần ở thể tự do, một phần ở dạng kết hợp với magiê.
  • Cantharidin không có trong các bộ phận cứng và bộ phận tiêu hóa. Chủ yếu gặp trong máu, trong các bộ phận sinh dục. Cantharidin có tinh thể hình phiến không có màu, không mùi, trung tính, rất tan trong nước, tan trong axeton, ête nguội, tinh dầu thông đun sôi, axit axetic nóng và axit focmic. Chảy ở 218°C. Thăng hoa từ nhiệt độ l21 độ C. Các cantharidat tan trong nước nếu có các oxyt kim loại. Những cantharidat này bị axit tác dụng sẽ lại cho cantharidin chứ khống cho axit cantharidic. Đun sôi với kiềm trong môi trường nước sẽ cho axit cantharidic C10H14O5 . Vậy cantharidin là anhydrit của axit cantharidic.

D. Công dụng và liều dùng 

  • Ban miêu được dùng chủ yếu bên ngoài làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc hoặc làm thuốc tụ bệnh.
  • Uống trong có thể gây xót dạ dày và ruột rồi đi tới viêm các bộ phận sinh dục và tiểu tiện. có khi chỉ dán thuốc rộp có ban miêu cũng thấy có hiện tượng này xảy ra. Ban miêu thuộc loại độc bảng A, hiện chưa thấy dùng uống trong. Tuy nhiên người ta còn dùng cồn ban miêu với liều (8-10 giọt) trong bệnh viêm thượng bì thận hay cường dương (rất nguy hiểm và giả tạo) làm thuốc thông tiểu và chữa phù.
  • Bột ban miêu: ngày uống 0,02-0,03g (tối đa 0,03g/lần; 0,06 g một giờ)
  • Cồn ban miêu: 10%-VI-X giọt uống để gây rộp da hoặc tụ máu
  • Thuốc cao dán có ban miêu để dán vào nơi định gây rộp.
  • Ngộ độc do sâu ban miêu: do việc sử dụng tự động sâu ban miêu trong nhân dân không đúng liều lượng nên đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc đáng tiếc cho nên ta cũng nên biết qua một số triệu chứng khi bị ngộ độc do sâu ban miêu.
  • Ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn và nặng với những triệu chứng ở dạ dày và ruột, tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương lên rất đau đớn cuối cùng co những rối loạn về thần kinh hôn mê và chết trong vòng 24 giờ
  • Người ta cho rằng với liều 3-4g sâu ban miêu ( liều tối đa 0,03g /lần và 0,06g/ 24 giờ) hoặc 20-30g cồn sâu ban miêu 9liều tối đa 0,5g/lần và 1,25g/24 giờ) hoặc 0,02-0,03g cantharedin (liều tối đa 2/10mg/lần cũng là 2/10mg/24 giờ) đủ làm cho chết người nhưng người ta cũng nhận thấy có nhiều trường hợp ngộ độc do dùng liều thấp hơn các liều trên rất nhiều.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top