✴️ Cách nhận biết và điều trị nhiễm trùng vết cắn do động vật

Nội dung

Trong một số trường hợp, có thể ngăn ngừa sự nhiễm trùng vết thương do động vật cắn. Xử lý vết thương sớm bao gồm rửa sạch vết thương, sử dụng kháng sinh và thay băng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Các vết cắn mà không làm rách da sẽ không bị nhiễm trùng. Vết cắn gây ra một vết trầy xước nhỏ thì có nguy cơ nhiễm trùng ít. Nếu vết cắn tạo thành một vết cắt, người đó sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng cao nhất gặp ở các vết thương đâm chọc nhỏ, thường gặp do mèo cắn.

Tuy vậy, bất cứ ai bị động vật cắn nên được tiêm vắc xin uốn ván nếu như chưa quá thời gian quy định.

Các phần tiếp theo sẽ trình bày nhiều thông tin hơn về nhiễm trùng vết cắn do động vật, bao gồm các triệu chứng cần nhận biết, các biện pháp điều trị, và các biến chứng có khả năng xảy ra.

Triệu chứng

Các vết cắn động vật có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Viêm;
  • Đau;
  • Đỏ;
  • Sưng.

Các triệu chứng này thường xuất hiện tại chỗ hoặc xung quanh vị trí cắn nhưng sẽ không xuất hiện ngay lập tức.

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng kéo dài hơn một ngày nên gặp bác sĩ. Bệnh nhân có thể gặp thêm một số triệu chứng khác khi nhiễm trùng nặng hơn bao gồm:

  • Căng cứng tại chỗ hoặc gần vết cắn;
  • Rỉ dịch hoặc dịch mủ từ vết cắt;
  • Mất khả năng cử động bàn tay hoặc các ngón;
  • Phì đại hạch lympho;
  • Khó thở;
  • Tê quanh chỗ cắn;
  • Các dải đỏ xuất hiện quanh chỗ cắn;
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Sốt;
  • Yếu cơ hoặc run;
  • Mệt mỏi.

Phân loại vết cắn

Các vết cắn có thể có nhiều biểu hiện khác nhau tùy vào loại động vật cũng như mức độ nặng của chúng. Một số loại vết cắn thường gặp do:

  • Mèo;
  • Chó;
  • Động vật hoang dã.

Vết mèo cắn

Mèo có bộ hàm sắc nhọn, dài, mảnh. Khi chúng cắn sẽ tạo thành vết thương đâm chọt sâu, nhỏ. Vi trùng có thể bị giữ lại trong da khi các lỗ vào nhỏ này lành lại và gây ra nhiễm trùng.

Nhiễm trùng thường cần thêm các điều trị khác, như kháng sinh hoặc vắc xin uốn ván.

Có gần khoảng 50% các trường hợp vết cắn do mèo dẫn đến nhiễm trùng. Bởi vì vết thương chúng tạo ra thường sâu hơn, do đó dễ dẫn đến nhiễm trùng ở các lớp mô sâu hơn.

Vết chó cắn

Vết thương do chó cắn rất thường gặp. Chó thường rất dễ cắn người nếu chúng bị quá khích, dọa sợ hoặc bị tổn thương.

vết cắn do động vật

Vết cắn do động vật hoang dã

Vết cắn do động vật hoang dã không thường gặp như các vết cắn do vật nuôi. Những loài động vật hoang dã thường cắn người bao gồm dơi, gấu mèo, chó hoang, và cáo.

Điều cần lưu tâm khi bị động vật hoang dã cắn đó là các động vật này có thể mang virus dại.

 

Điều trị

Những người bị động vật cắn nên bắt đầu điều trị sớm, trong vòng vài phút sau khi bị cắn. Bước đầu tiên của việc điều trị vết thương bao gồm:

  • Rửa sạch toàn bộ vết thương với xà phòng và nước;
  • Băng bó vết thương.

Nếu vết thương nhỏ, và không phải gây ra bởi động vật hoang dã, người đó có thể không cần đến trung tâm y tế ngay lập tức. Thay vào đó, nên giữ vết thương sạch và thường xuyên kiểm tra xem có dấu hiệu của nhiễm trùng hay không. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Đối với các vết thương sâu hơn, ấn chặt vết thương để cầm máu. Một khi máu đã ngừng chảy, sử dụng một tấm băng sạch để băng bó vết thương lại. Đến trung tâm y tế ngay nếu vết thương sâu. Bác sĩ sẽ khâu vết thương lại khi cần thiết.

Khi bị động vật hoang dã cắn, nên đến trung tâm y tế ngay lập tức.

Nếu vết thương bị nhiễm trùng, điều trị cơ bản là sử dụng kháng sinh đường uống. Ở các trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể cần kháng sinh đường tĩnh mạch. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định vắc xin ngừa uốn ván.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng kháng sinh dự phòng thường là những người bị cắn ở tay, mặt hoặc gần khớp.

Thời gian sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân có thể rất thay đổi tùy vào loại vết cắn, các vấn đề sức khỏe khác đi kèm, và độ nặng của vết cắn. Bác sĩ thường sẽ lên lịch tái khám vài ngày sau để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả.

Các biến chứng

Các vết cắn động vật có thể gây ra một số biến chứng. Nếu động vật gây ra vết cắn có dấu hiệu mắc bệnh, hãy nói với bác sĩ càng sớm càng tốt. Ba biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Bệnh dại;
  • Uốn ván;
  • Nhiễm trùng máu hoặc xương.

Bệnh dại

Bệnh dại là một bệnh lý nhiễm trùng gây ra bởi virus, thường dẫn đến tử vong khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu nghi ngờ người này có thể nhiễm virus dại khi bị động vật cắn, bác sĩ sẽ điều trị họ ngay lập tức với vắc xin phòng ngừa dại và Globulin miễn dịch.

Uốn ván

Uốn ván là một tình trạng nhiễm trùng nặng, có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Cứng hàm;
  • Nuốt khó;
  • Cứng cổ;
  • Co giật toàn thân.

Không có điều trị đặc hiệu nào cho bệnh uốn ván, tuy nhiên bệnh lý này cũng hiếm gặp do hiện tại đã có vắc xin phòng ngừa. Nếu một người có vết thương bị nhiễm bẩn, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm một mũi uốn ván bổ sung nếu như lần tiêm gần nhất của người đó thực hiện từ hơn 5 năm trước.

Nhiễm trùng máu hoặc xương

Nếu không được điều trị, vết cắn động vật có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng máu hoặc xương. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu khi tiến hành thăm khám.

Có thể bạn quan tâm: Nhiễm trùng huyết

 

Khi nào cần đến gặp bác sĩ và chẩn đoán

Nên đến gặp bác sĩ của họ khi có biểu hiện nhiễm trùng. Ngoài ra họ cũng nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng đau và viêm quanh vết thương vẫn còn kéo dài sau một hoặc hai ngày.

Khi vết cắn gây ra bởi động vật hoang dã, nên đến trung tâm y tế ngay lập tức. Động vật hoang dã có thể mang bệnh dại, là một bệnh lý đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay tức thì.

Tóm lại

Nên chú ý đến mọi vết cắn do động vật. Bước đầu tiên để ngăn ngừa nhiễm trùng là làm sạch và băng bó vết thương. Bạn cũng nên đến trung tâm y tế khi bị cắn do động vật hoang dã hoặc vết thương khá sâu mà khả năng cần phải được khâu lại.

Kiểm tra vết cắn thường xuyên cũng rất quan trọng để phát hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng. Khi cảm giác hoặc thấy có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn xảy ra.

Xem thêm: Chăm sóc vết thương hở 

Tìm hiểu: Nhiễm trùng da

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top