✴️ Chăm sóc vết thương hở thế nào cho đúng cách?

Vết thương được chia thành hai loại lớn: hở hoặc kín.

Trong vết thương kín, mô bị tổn thương và xuất huyết dưới bề mặt da. Ví dụ như vết bầm tím.

Vết thương hở bao gồm một vết rách trên da khiến mô bên trong bị lộ ra ngoài. Vết thương hở có thể do ngã, chấn thương do va đập và phẫu thuật.

Bài viết này sẽ trình bày chi tiết hơn về một số loại vết thương hở, cũng như cách điều trị chúng.

Phân loại vết thương

Một số ví dụ về vết thương hở bao gồm:

Vết thương trầy xước, xây xát

Vết thương do trầy xước xảy ra khi da cọ xát hoặc trượt trên bề mặt thô ráp. Mặc dù vết trầy xước ít chảy máu nhưng cũng cần vệ sinh vết thương sạch sẽ và loại bỏ tất cả các dị vật để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Vết rách

Vết rách là một vết hở sâu hoặc một vết rách trên da thường xảy ra do tai nạn hoặc các sự cố liên quan đến dao, máy móc hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác. Loại vết thương này có thể gây chảy máu đáng kể.

Vết giật, co kéo mạnh

Tình trạng này liên quan đến việc co kéo da và mô bên dưới một cách mạnh bạo có thể các nguyên nhân về áp lực, chẳng hạn như vụ nổ, động vật tấn công hoặc tai nạn xe cơ giới.

Vết thương thủng

Vết thương thủng gây ra các lỗ trên mô mềm. Các mảnh vụn và kim tiêm có thể gây ra vết thương thủng cấp tính thường ảnh hưởng đến các lớp mô bên ngoài. Tuy nhiên, vết thương do dao hoặc đạn bắn có thể làm tổn thương các cơ sâu và các cơ quan nội tạng, có thể dẫn đến xuất huyết đáng kể.

Vết thương mổ

Vết thương mổ thường là vết thương sạch và thẳng trên da, được áp dụng cho rất nhiều phẫu thuật y tế. Ngoài ra, các tai nạn liên quan đến dao, lưỡi lam, kính vỡ và các vật sắc nhọn khác cũng có thể gây ra vết thương tương tự như vết mổ.

Vết thương mổ thường chảy máu nhiều, nhanh. Vết thương sâu có thể làm tổn thương cơ hoặc dây thần kinh và cần có thể sẽ phải thực hiện khâu vết thương.

chăm sóc vết thương đúng cách

Điều trị vết thương hở

Các vết thương hở nhẹ hoặc cấp tính có thể không cần điều trị y tế. Mọi người có thể điều trị các loại vết thương này tại nhà. Tuy nhiên, những vết thương hở nặng và chảy nhiều máu sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Chăm sóc vết thương hở cần bao gồm các bước sau:

Cầm máu: Dùng khăn sạch hoặc băng ép nhẹ lên vết thương để giúp quá trình đông máu được nhanh chóng hơn.

Làm sạch vết thương: Dùng nước sạch và dung dịch nước muối sinh lý để rửa sạch các mảnh dị vật hoặc vi khuẩn. Khi vết thương đã sạch, hãy lau khô bằng khăn sạch. Khi đến các cơ sở y tế, bác sĩ có thể cần thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các mảnh dị vật từ vết thương nghiêm trọng có chứa mô chết, thủy tinh, đạn hoặc các vật thể lạ khác.

Xử lý vết thương bằng thuốc kháng sinh: Sau khi làm sạch vết thương, cần thoa một lớp mỏng thuốc mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Đóng miệng và băng vết thương: Việc đóng vết thương sạch sẽ giúp thúc đẩy quá trình lành nhanh hơn. Băng và gạc không thấm nước có tác dụng tốt đối với các vết thương nhỏ. Vết thương hở sâu có thể cần phải khâu hoặc ghim. Tuy nhiên, hãy để hở vết thương đã bị nhiễm trùng cho đến khi hết nhiễm trùng.

Thay băng thường xuyên: Các chuyên gia y tế khuyên nên tháo băng cũ và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng sau mỗi 24 giờ. Khử trùng và lau khô vết thương trước khi dùng băng dính hoặc gạc sạch dán lại. Nhớ giữ vết thương khô ráo trong thời gian lành.

Thuốc điều trị vết thương hở

Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) để giảm viêm và các triệu chứng đau trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tránh dùng aspirin vì nó có thể gây chảy máu và làm chậm quá trình chữa lành vết thương.

Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ trên các vết cắt và vết xước nhỏ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh uống nếu cảm thấy một người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.

Biện pháp điều trị tại nhà

Có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà sau đây để điều trị các vết thương hở nhỏ, ít chảy máu.

Bột nghệ

Curcumin trong nghệ có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn mạnh, có thể tăng cường chữa lành vết thương.

Một nghiên cứu năm 2017 đã kiểm tra các đặc tính chữa bệnh của nghệ ở 178 người bị viêm xương ổ răng - là tình trạng nhiễm trùng phổ biến sau khi nhổ răng. Những người tham gia được điều trị bằng nghệ cho biết có giảm đau, sưng và hoại tử mô trong vòng 2 ngày.

Có thể tạo hỗn hợp sền sệt bằng cách trộn bột nghệ với nước ấm. Nhẹ nhàng thoa hỗn hợp lên vết thương và băng lại bằng băng hoặc gạc.

Nha đam

Nha đam thuộc họ xương rồng. Lá cây nha đam chứa một chất giống như gel, giàu khoáng chất và vitamin, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.

Theo một đánh giá có hệ thống năm 2019 về 23 nghiên cứu, nha đam có chứa hợp chất glucomannan, giúp thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào và sản xuất collagen - là một loại protein thiết yếu giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, nha đam có thể giúp giảm viêm, ngăn ngừa loét và tăng cường tính toàn vẹn của da.

Có thể sử dụng nha đam bằng cách bôi một lớp mỏng gel nha đam lên vùng đó hoặc băng vết thương bằng băng tẩm gel nha đam.

Dầu dừa

Dầu dừa có thể thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương do có nồng độ cao của monolaurin - một axit béo nổi tiếng với tác dụng kháng khuẩn.

Sử dụng dầu dừa nguyên chất có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng ở các vết thương đang lành.

Tỏi

Tỏi có chứa một hợp chất gọi là allicin, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Theo một nghiên cứu trên chuột năm 2018, một loại thuốc mỡ có chứa 30% tỏi thúc đẩy tăng sinh tế bào hơn so với Vaseline.

Xem thêm: 8 loại kháng sinh tự nhiên an toàn mà hiệu quả

 

Các nguy cơ

Các nhóm vi khuẩn cư trú trên bề mặt da rất đa dạng, vì vậy vết thương hở cần được chăm sóc và vệ sinh thích hợp để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Một số dấu hiệu và triệu chứng của vết thương bị nhiễm trùng bao gồm:

  • Đỏ, sưng tấy hoặc vùng da ấm xung quanh vết thương;
  • Cơn đau trở nên trầm trọng hơn;
  • Dịch trong hoặc mủ tụ ở vết thương;
  • Xuất hiện mụn nước hoặc vết loét;
  • Sốt;
  • Sưng hạch bạch huyết.

Nhiễm trùng có thể hình thành từ vết thương hở bao gồm:

Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn

Staphylococcus là một nhóm vi khuẩn hiện diện trên da và bên trong mũi. Vi khuẩn tụ cầu thường không gây bệnh. Tuy nhiên, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tụ cầu.

Qua thời gian, nhiễm trùng tụ cầu có thể vẫn còn trong da và ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi và dầu. Ngoài ra, chúng cũng có thể lây lan khắp cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau.

Xem thêm: Áp xe da

 

Uốn ván (Lockjaw)

Clostridium tetani (C.tetani) có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở trên da gây nên uốn ván. Khi vào trong cơ thể, C. tetani có thể gây co thắt cơ đau ở cổ và hàm có thể dẫn đến tử vong.

C. tetani tồn tại trong đất, bụi và bên ngoài các vật bằng kim loại. Vì vậy, nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bị các vết thương do đinh đâm hoặc vật kim loại sắc nhọn khác. Với những tiến bộ về vắc-xin đã gần như loại bỏ được bệnh uốn ván ở Việt Nam. Các chuyên gia khuyến nghị người lớn nên tiêm phòng uốn ván 10 năm một lần.

Viêm cân mạc hoại tử

Viêm cân mạc hoại tử là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiếm gặp gây chết mô mềm. Vi khuẩn được gọi là Streptococcus nhóm A thường gây ra bệnh nhiễm trùng này, phát triển đột ngột và lây lan nhanh chóng.

Viêm cân mạc hoại tử là một tình trạng bệnh lý nặng cần được điều trị ngay lập tức. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, hội chứng sốc nhiễm độc, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Các triệu chứng của bệnh viêm cân mạc hoại tử giống như của bệnh cúm. Chúng có thể bao gồm:

  • Đau dữ dội gần vết thương;
  • Da đỏ hoặc tím gần vết thương;
  • Sốt;
  • Đau bụng;
  • Đau họng;
  • Buồn nôn;
  • Bệnh tiêu chảy;
  • Ớn lạnh;
  • Đau cơ.

Vết thương mãn tính

Vết thương mãn tính là vết thương mất một thời gian dài hơn bình thường để chữa lành hoặc liên tục tái phát.

Nguyên nhân gây ra vết thương mãn tính bao gồm nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, chức năng miễn dịch suy yếu và một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác. Mắc bệnh tiểu đường hoặc ung thư có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vết thương mãn tính.

Tóm lược

Vết thương hở là vết thương làm cho các mô của cơ thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các vết thương hở có thể bị nhiễm trùng do các khuẩn lạc vi khuẩn có trên da. Tuy nhiên, vệ sinh và chăm sóc vết thương đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn.

Các vết thương hở nhỏ và ít chảy máu có thể không cần điều trị, sử dụng thuốc mỡ kháng sinh OTC sẽ giúp giữ sạch vết thương. Ngoài ra, có thể sử dụng nghệ, nha đam, dầu dừa, hoặc tỏi như các phương pháp điều trị tự nhiên tại nhà cho các vết thương hở nhỏ.

Lưu ý, các vết thương hở lớn chảy nhiều máu cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Xem thêm: Giải quyết cục chai ở lòng bàn chân

Có thể bạn quan tâm: BS tư vấn về xử lý vết thuơng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top