Những giai đoạn cảm xúc khi mắc ung thư vú

Bạn sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc gì vào thời điểm mình được chẩn đoán ung thư vú, trong giai đoạn điều trị và thời gian hồi phục sau điều trị? Chắc chắn đó là những cảm giác không hề thoải mái và đôi khi vô cùng khó khăn đối với bạn.

Dưới đây là ba giai đoạn quan trọng trong tâm lý và cảm xúc của bạn trong suốt thời gian chiến đấu với ung thư vú.

Lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú

Ung thư vú là một căn bệnh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và cần kiên trì tuân thủ điều trị một cách nghiêm ngặt. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, thì bản thân, gia đình và bạn bè bạn sẽ phải trải qua vô số cung bậc cảm xúc khác nhau. Đôi khi, đó là những cảm xúc tuyệt vọng, và vô cùng khó khăn để vượt qua.

Quá trình chẩn đoán phát hiện bệnh của mỗi người là khác nhau. Vì vậy những trải nghiệm cảm xúc cũng tùy thuộc vào bản thân mỗi người. Biết được kinh nghiệm từ những người đã trải qua và hồi phục, bạn có thể nhận được thêm các thông tin tích cực và hữu ích cho việc điều trị của bản thân mình.

Bạn có thể không nhất thiết sẽ có tất cả các cung bậc cảm xúc, tuy nhiên việc trải qua một loạt các trạng thái khác nhau là một điều hoàn toàn bình thường. Dưới đây là một số trạng thái cảm xúc thường thấy khi được chẩn đoán ung thư vú (theo Kubler-Ross):

  • Từ chối tiếp nhận và sốc: "Điều này không đúng", "Không thể là tôi!" " Tôi không thể bị ung thư vú"
  • Tức giận và giận dữ: "Điều này thật không công bằng." "Tại sao tôi lại mắc phải căn bệnh này?" "Tại sao lại là tôi?" "Cuộc sống của tôi đã rất bận rộn, tôi không thể có thời gian để quan tâm đến căn bệnh này nữa”
  • Căng thẳng và trầm cảm: "Tôi cảm thấy rất buồn." "Tại sao tôi cần phải điều trị? Dù sao đi nữa tôi cũng sẽ chết." 
  • Đau buồn và sợ hãi: "Tôi sẽ chết, nhưng tôi không muốn chết." "Tôi sẽ mất một phần cơ thể của tôi." "Tôi sẽ không bao giờ cảm thấy an toàn nữa."
  • Chấp nhận và điều chỉnh: "Được rồi, đó là sự thật. Tôi bị ung thư vú, nhưng tôi không thích nó làm bản thân tôi trở nên ốm yếu và sợ hãi."
  • Chiến đấu và hy vọng: "Tôi sẽ chiến đấu cho cuộc sống của tôi! Tôi đang nhận được tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ để giúp tôi thoát khỏi căn bệnh này."

 

Trong thời gian điều trị

Sau khi chẩn đoán, bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn để tham gia vào lựa chọn điều trị bệnh cho bản thân. Và ta nhiên, bạn phải trải qua những cảm xúc đi kèm của quá trình này.

Cho dù là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormon hay kết hợp các phương pháp với nhau bạn vẫn có vô số các câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hãy tự tìm hiểu các giai đoạn cảm xúc dưới đây để giúp bạn giảm bớt mối lo ngại của bản thân:

  • Lo ngại về sự thay đổi
    • "Sau khi phẫu thuật liệu cơ thể tôi vẫn còn hấp dẫn chứ?"
    • "Điều gì sẽ xảy ra với đời sống tình dục của tôi?"
  • Sợ về những điều chưa biết
    • "Liệu việc điều trị này sẽ như thế nào?"
    • "Tôi có thể sống sót sau khi điều trị xong không?"
  • Lo lắng về tác dụng phụ
    • "Nghe có vẻ rất tệ. Có cách nào khác không?"
    • "Làm thế nào để tôi đối phó với nó?"
  • Lo ngại về hiệu quả
    • "Phương pháp điều trị của tôi có thực sự hiệu quả không?"
  • Hồi hộp đợi kết quả kiểm tra
    • "Khi nào thì tin xấu sẽ kết thúc?"
  • Lo lắng về gia đình và công việc
    • "Điều này ảnh hưởng đến gia đình tôi như thế nào?"
    • "Tôi có bị mất việc không?"

Việc nói chuyện với bác sĩ cũng như các bệnh nhân khác- người đã từng có kinh nghiệm sẽ giúp bạn đưa ra được câu trả lời cần thiết và chính xác nhất bản thân mình.

 

Sau khi điều trị

Khi điều trị chính thức kết thúc, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với bạn? Bạn có thể vẫn phải dùng liệu pháp hormon hoặc tái khám thường xuyên. Cảm xúc lúc đó của bạn sẽ như thế nào?

Những cảm xúc sau đây sẽ thường xuất hiện khi bạn nói chuyện với bác sỹ điều trị của mình về những gì sẽ diễn ra sắp tới:

  • Sợ tái phát
    • "Liệu ung thư có di căn hay tái phát với tôi?"
    • " Khi tôi bị đau ngực hoặc co thắt cơ ngực thì đó liệu có phải là ung thư vú tái phát trở lại hay không?
  • Cảm thấy dễ bị tổn thương
    • "Hiện tại tôi đã khỏi bệnh, làm thế nào để tôi có thể bảo vệ bản thân mình không tiếp tục mắc ung thư vú?"
  • Sợ đau
    • "Ngực tôi đau." 
    • "Tôi kiệt sức rồi." 
    • "Tôi liệu có cảm thấy bình thường trở lại được không?"
  • Sợ chết
    • "Gia đình tôi cần tôi. Tôi không chuẩn bị cho chuyện này."

Tại thời điểm này, bạn có thể có những suy nghĩ tiêu cực. Dường như, tất cả những gì bạn cần để chống lại ung thư là một thái độ tích cực và lạc quan sống. Tuy nhiên việc thể hiện ra những cảm xúc tiêu cực của bản thân cũng vô cùng cần thiết. Hãy tìm cho mình một người bạn hiểu biết để chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực này. Bởi vì bớt đi những suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp bạn có thêm những suy nghĩ tích cực.

 

Một số lưu ý về trầm cảm

Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy: trầm cảm rất phổ biến ở những bệnh nhân ung thư vú, thường phát triển trong ba tháng đầu sau khi được chẩn đoán bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo rằng nếu bạn đang gặp các triệu chứng trầm cảm, bạn nên tìm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.

Hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi nhận ra rằng bạn đang căng thẳng hoặc buồn bã để có được những tư vấn và thăm khám hợp lý. Nghiên cứu cho thấy, những người bị trầm cảm trước khi chẩn đoán ung thư vú có thể sẽ cần thêm nhiều sự giúp đỡ để hồi phục. Với sự hỗ trợ từ người người đồng cảnh, gia đình, bạn bè và bác sĩ, bạn có thể vượt qua những giai đoạn này một cách dễ dàng hơn. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top