Những thông tin cha mẹ cần biết về động kinh ở trẻ em

Nội dung

Khoảng 2/3 trẻ em mắc bệnh động kinh sẽ hết co giật khi đến độ tuổi thanh thiếu niên. Vấn đề quan trọng là cha mẹ cần giúp đỡ con trong việc duy trì một phong cách sống lành mạnh và luôn cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Động kinh là một rối loạn tại não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lặp đi lặp lại. Co giật có thể gây ra do những tổn thương tại não bộ bao gồm các chấn thương vùng đầu, nhiễm trùng, ngộ độc hay do sự phát triển bất thường của não bộ của trẻ trong thời kỳ bào thai. Thường thì co giật và động kinh không có nguyên nhân rõ ràng.

Có nhiều dạng động kinh. Một số dạng diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ vài giây, trong khi những dạng khác có thể kéo dài trong vài phút. Việc phân loại tình trạng co giật phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của não bộ.

Bác sỹ sẽ chẩn đoán trẻ bị mắc động kinh nếu:

- Trẻ xuất hiện nhiều hơn một cơn co giật.

- Bác sỹ cho rằng trẻ có khả năng bị tái diễn tình trạng co giật.

- Cơn co giật không gây ra trực tiếp bởi các tình trạng bệnh lý khác như tiểu đường hay nhiễm trùng nặng.

Động kinh có ảnh hưởng khác nhau đối với từng đối tượng trẻ em phụ thuộc vào:

- Tuổi tác

- Loại co giật

- Đáp ứng với điều trị

- Bị mắc các bệnh khác

Một số người bị co giật có thể dễ dàng kiểm soát tình trạng này bằng việc sử dụng thuốc và thậm chí có thể khỏi hoàn toàn. Một số khác có thể gặp khó khăn hơn.

Những tiến bộ trong điều trị bệnh động kinh trong những năm gần đây đã giúp căn bệnh này dễ dàng kiểm soát hơn. Nhiều loại thuốc chống co giật mới đang sẵn có trên thị trường và nhiều loại khác đang được thử nghiệm. Những liệu pháp điều trị thay thế cũng rất sẵn có đối với trẻ em những đối tượng tiếp tục bị hội chứng co giật ngay cả khi đang dùng thuốc.

Chẩn đoán động kinh

Tình trạng động kinh được chẩn đoán khi xuất hiện nhiều hơn một cơn co giật mà không có lý do rõ ràng như sốt hay chấn thương.

Bất kỳ trẻ em nào xảy ra tình trạng co giật mà không rõ nguyên nhân đều cần can thiệp y khoa ngay lập tức. Nếu co giật tái diễn, trẻ nên được đưa tới chuyên gia về thần kinh nhi để kiểm tra.

Mặc dù quá trình chẩn đoán đối với mỗi trẻ em là khác nhau nhưng các bước chính trong quá trình bao gồm:

- Hỏi tiền sử chi tiết của bệnh nhân: có thể bao gồm các câu hỏi liên quan đến quá trình mang thai và sinh đẻ của người mẹ, có người thân bị mắc động kinh hay không, hay tình trạng sốt cao, chấn thương đầu nghiêm trọng hay có dấu hiệu mất tập trung hoặc nín thở.

- Chi tiết về cơn co giật: Những người có mặt lúc trẻ đang bị co giật nên trao đổi với bác sỹ về chi tiết tình trạng này của trẻ.

- Kiểm tra cơ thể: đánh giá tình trạng tim mạch, thần kinh và tâm thần.

- Xét nghiệm máu: để xác định nguyên nhân có thể gây bệnh hay các căn bệnh nghiêm trọng khác.

- Chụp cắt lớp vi tính (CAT) hay chụp CT: được sử dụng để xác định liệu tình trạng co giật là do một tổn thương cấp tính tại não hay do một bệnh nào khác.

- Đo điện não đồ (EEG): được sử dụng để đánh giá nguy cơ tái phát co giật và giúp xác định loại co giật và các triệu chứng động kinh.

- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI): cho hình ảnh não bộ của đứa trẻ bị một cơ co giật mới khởi phát hay co giật xảy ra do một vị trí nhất định trên não bị ảnh hưởng.

Sau khi kiểm tra, xét nghiệm và quan sát một thời gian, bác sỹ sẽ xác định xem trẻ có bị mắc bệnh động kinh hay không.

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc động kinh, việc cha mẹ cần làm là trao đổi với bác sỹ để phân loại thể co giật và động kinh của trẻ và có lựa chọn điều trị phù hợp. Do chứng co giật có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên cha mẹ và người trông trẻ phải quan sát và kiểm tra khi trẻ có bất cứ hành vi nào bất thường và báo cáo lại cho bác sỹ.

Bác sỹ sẽ đánh giá liệu các triệu chứng của trẻ và các đặc điểm khác (về tuổi, tần suất co giật, tiền sử gia đình...) ứng với hội chứng động kinh nào. Việc phân loại hội chứng động kinh phụ thuộc vào loại co giật, kết quả kiểm tra, các biểu hiện của trẻ trong quá trình co giật và kỳ vọng về đáp ứng với điều trị của trẻ.

 

Điều trị động kinh

Việc điều trị động kinh thường bắt đầu bằng việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải nhớ rằng động kinh là một tình trạng phức tạp và mỗi trẻ có biểu hiện khác nhau. Không phải mọi trẻ em đều đáp ứng với điều trị theo cùng một cách, do vậy không hề có một phương pháp điều trị đúng duy nhất.

Thuốc chống co giật

Có nhiều loại thuốc chống động kinh trên thị trường và nhiều loại mới đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, sẽ mất một ít thời gian để tìm ra loại thuốc nào phù hợp nhất với con bạn.

Những loại thuốc này không thể thay đổi tính nhạy cảm của não gây ra tình trạng co giật. Chúng chỉ điều trị được triệu chứng động kinh bằng cách làm giảm tần suất gây ra cơn động kinh. Thuốc sẽ không thể phát huy được tác dụng tối ưu cho tới khi nó đạt tới mức nồng độ nhất định trong cơ thể và được duy trì. Do đó, điều quan trọng là cần phải tuân theo chỉ định của bác sỹ.

Nếu thuốc không có tác dụng, các lựa chọn điều trị khác bao gồm:

- Phẫu thuật não

- Sử dụng các thiết bị y tế để ngăn chặn và kiểm soát cơn động kinh

- Các liệu pháp về dinh dưỡng (ví dụ: chế độ ăn ketogenic, chế độ ăn Atkins cải tiến, liệu pháp điều trị chỉ số đường huyết thấp)

Thời gian sử dụng thuốc điều trị

Nếu trẻ không bị lên cơn động kinh khi sử dụng thuốc trong vòng một vài năm, trẻ có thể ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên trẻ không bao giờ nên ngừng thuốc trừ khi có chỉ định và giám sát chặt chẽ của bác sỹ.

 

Nguy cơ khác từ bệnh động kinh

Bệnh động kinh có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tâm lý hay rối loạn khả năng học tập của trẻ. Đau đầu, viêm loét và các tình trạng bệnh lý khác cũng rất phổ biến. Điều quan trọng là cha mẹ cần phải hiểu về khả năng mắc thêm các bệnh khác khi con họ bị động kinh và trao đổi với bác sỹ khi trẻ gặp phải bất cứ vấn đề gì. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top