✴️ Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Nội dung

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất trong dịch dạ dày như HCl, pepsine, dịch mật… lên thực quản. Chất dịch trào lên là tác nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng và biến chứng của căn bệnh này.

Trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày có thể biến chứng thành ung thư thực quản, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

 

Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản

-Ở trẻ nhỏ: Nôn trớ, chất nôn có mùi chua của dịch dạ dày, khò khè, biếng ăn, chậm lớn, viêm phổi…

-Ở trẻ lớn và người trưởng thành: Ơ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát hoặc đau ở ngực, cảm giác thức ăn bị kẹt lại khi nuốt, khàn giọng, đắng miệng, rát họng vào buổi sáng, hơi thở có mùi hôi…

 

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản, có thể kể đến các nguyên nhân như:

-Van nối thực quản và dạ dày hoạt động không bình thường, áp lực đóng yếu, van mở vào những thời điểm không phù hợp khiến các chất trong dạ dày dễ dàng đi ngược vào thực quản.

-Stress kéo dài

-Thừa cân – béo phì.

-Thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học, lành mạnh

-Bị viêm loét dạ dày, tá tràng sâu

-Do bẩm sinh hoặc tai nạn

-Do tác dụng phụ của thuốc…

 

Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các bác sĩ thường căn cứ vào những triệu chứng lâm sàng như ợ chua, ợ nóng, nóng rát sau xương ức, đau rát cổ họng, vị chua trong khoang miệng, khó nuốt, sụt cân, nôn và buồn nôn…

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản được chẩn đoán chính xác nhờ nội soi thực quản dạ dày, đo áp lực cơ vòng dưới thực quản, đo pH thực quản chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt. Các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng được dùng đến nếu người bệnh có triệu chứng không rõ ràng, nghi ngờ về chẩn đoán, không đáp ứng với điều trị hoặc có dấu hiệu báo động bệnh lý nghiêm trọng.

 

Một số lưu ý khi điều trị bệnh

-Khi có dấu hiệu của bệnh cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt và thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ (nếu có bệnh)

– Điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh, khoa học. Theo đó, bạn nên thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nước uống có ga… Chia nhỏ bữa ăn, không bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng, không ăn quá no hoặc quá đói, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm ngay sau khi ăn, không uống quá nhiều nước khi ăn…

-Ngủ nằm đầu cao 7-10 cm so với chân.

-Giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngưng các thuốc kích thích dạ dày.

-Tránh xa căng thẳng – stress

-Điều trị triệt để các bệnh lý về dạ dày, tiêu hóa

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top