Viêm trợt niêm mạc hang vị dạ dày là bệnh lý tiêu hóa dễ mắc, khó lành, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu bệnh để có thể chủ động thăm khám, có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
1. Hiểu về viêm trợt niêm mạc hang vị
Hang vị là một phần của dạ dày, nằm ngang từ góc bờ cong đến lỗ môn vị, nối giữa thân vị và hang môn vị. Viêm trợt niêm mạc hang vị xảy ra khi xuất hiện các vết xước tại niêm mạc lót trong hang vị dạ dày. Đây có thể là hệ quả của việc không điều trị triệt để viêm hang vị.
Dựa vào mức độ tổn thương của niêm mạc, viêm trợt hang vị có thể chia thành các dạng như:
– Viêm trợt lồi: Là các vết trầy xước hình thành do tiếp xúc liên tục với thức ăn và dịch vị. Chúng giống như vết sẹo, phồng lồi dần lên và rất khó phục hồi.
– Viêm trợt phẳng: Xảy ra ở những vị trí dạ dày ít tiếp xúc với thức ăn. Các vết viêm trợt thường phẳng và nông, chỉ có thể xác định chính xác khi được nội soi trực tiếp.
– Viêm trợt xung huyết: Đây là loại viêm trợt kết hợp giữa sự xuất hiện của các vết xước và tình trạng viêm nhiễm khiến niêm mạc hang vị xuất hiện nhiều vết đỏ, sẫm màu và dày đặc.
2. Đâu là nguyên nhân gây viêm trợt hang vị dạ dày?
Các tác nhân gây bệnh viêm trợt hang vị có thể kể đến như:
– Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây các bệnh lý dạ dày
– Lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAIDs)
– Có sở thích ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chua, cay nóng…
– Thường xuyên uống rượu bia, cà phê, trà đặc…
– Nghiện thuốc lá
– Stress, áp lực kéo dài
3. Các triệu chứng đặc trưng
Viêm trợt niêm mạc hang vị dạ dày được biểu hiện đặc trưng bởi các triệu chứng như:
3.1 Đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu đặc trưng của viêm trợt niêm mạc hang vị
Cơn đau xuất hiện vùng trên rốn, diễn ra dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Người bệnh có thể thấy đau tăng khi ăn, đau nhiều vào đêm do dịch vị kích thích phần niêm mạc bị tổn thương.
3.2 Ợ hơi, ợ chua
Do cấu tạo hang vị nằm ngang, thức ăn khi đi qua đây dễ bị trì đọng gây lên men, thải ra khí nóng gây chướng bụng, ợ hơi, ợ chua.
3.3 Buồn nôn và nôn
Thức ăn chưa tiêu hóa hết ở tại hang vị dễ dàng làm cho dạ dày co bóp mạnh hơn. Lúc này một phần thức ăn cùng dịch vị trào ngược lên thực quản khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và nôn.
3.4 Sút cân
Chức năng tiêu hóa suy giảm dẫn tới chán ăn, mệt mỏi. Đây cũng là nguyên nhân gây sụt cân phổ biến ở người bệnh.
Tuy nhiên, do một số bệnh lý tiêu hóa khác cũng có các triệu chứng tương tự, để tránh nhầm lẫn, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.
4. Phương pháp điều trị viêm trợt niêm mạc hang vị dạ dày
Người bệnh nghi ngờ triệu chứng nên chủ động đến thăm khám ở cơ sở y tế uy tín. Thông qua các chẩn đoán như: Nội soi, sinh thiết mô, xét nghiệm vi khuẩn HP, chụp X-quang, test hơi thở ure …, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
4.1. Điều trị bằng thuốc các dấu hiệu viêm trợt niêm mạc hang vị dạ dày
Dựa trên nguyên nhân và triệu chứng của từng người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định kết hợp các loại thuốc khác nhau:
– Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn HP: thường được chỉ định khi nguyên nhân gây viêm trợt hang vị dạ dày là do nhiễm khuẩn HP. Các loại thuốc này thường sử dụng kết hợp cùng với một số loại thuốc cải thiện triệu chứng.
– Thuốc ức chế bơm proton: giúp giảm tiết axit dịch vị dạ dày, kích thích làm lành các vết loét.
– Thuốc ức chế thụ thể H2: Hay còn gọi với tên gọi thuốc chẹn H2, có tác dụng ngăn chặn quá trình bài tiết axit dạ dày và giảm lượng dịch vị dạ dày .
– Thuốc kháng axit: Ngăn chặn sự tiết axit dịch vị, bảo vệ niêm mạc khỏi các thương tổn, thường có tác dụng nhanh, kiểm soát tốt các triệu chứng.
Cần lưu ý tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có đơn kê, chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần đảm bảo liều lượng, thời gian điều trị bằng thuốc để phác đồ điều trị được phát huy tối đa hiệu quả.
4.2. Can thiệp điều trị ngoại khoa
Khi điều trị nội khoa (dùng thuốc) không mang lại hiệu quả hoặc xuất hiện biến chứng phát sinh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại khoa (phẫu thuật). Trường hợp bệnh nhân xảy ra tình trạng hẹp môn vị, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hay xuất hiện yếu tố ung thư hóa, phẫu thuật nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên do phương pháp này có thể để lại nhiều biến chứng hậu phẫu, chỉ có những trường hợp thật sự cần thiết mới được chỉ định điều trị ngoại khoa.
4.3 Ăn uống lành mạnh, khoa học
Điều trị nội khoa hay ngoại khoa các bệnh lý dạ dày sẽ không thể duy trì hiệu quả nếu người bệnh không từ bỏ các thói quen xấu và xây dựng một lối sống lành mạnh. Một số thói quen bệnh nhân có thể thực hiện như:
– Dừng các loại thuốc ảnh hưởng dạ dày.
– Tránh các thực phẩm, đồ uống gây kích ứng: thực phẩm cay, chua, chiên hoặc béo, rượu bia, cà phê…
– Không bỏ bữa hoặc ăn quá no, có thể áp dụng chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
– Ăn chậm, nhai kỹ giúp quá trình đưa thức ăn xuống ruột non thuận lợi
– Bổ sung các loại rau xanh, rau có màu đậm: Rau cải, rau dền, súp lơ…; các loại thực phẩm giàu tinh bột: bánh mỳ, khoai lang, khoai tây; thực phẩm có lượng protein vừa phải để tránh đầy bụng, khó tiêu
– Dành ít nhất nửa tiếng mỗi ngày để luyện tập thể thao nhằm nâng cao sức đề kháng
– Giữ bản thân tránh xa những căng thẳng, lo âu, mệt mỏi
– Luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực để giữ cân bằng dịch vị dạ dày
Viêm trợt niêm mạc hang vị được phát hiện sớm thông qua các dấu hiệu bệnh sẽ giúp rút ngắn thời gian, chi phí điều trị mà vẫn đem lại hiệu quả tích cực.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh