✴️ Mối liên quan giữa chu kỳ kinh nguyệt và cơ thể

Nội dung

Độ dài chu kỳ kinh bình thường

Một chu kỳ điển hình kéo dài 28 ngày, trong đó có 2 đến 7 ngày hành kinh. Có nhiều yếu tố tác động đến độ dài chu kỳ kinh như là khi mang thai hoặc mãn kinh, có thể làm tạm dừng hoặc kết thúc việc hành kinh.

Trong những năm đầu tiên của tuổi dậy thì, chu kỳ kinh thường không đều nhưng chúng sẽ ổn định dần theo thời gian.

Nhiều vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến độ dài chu kỳ, trong đó gồm có những bệnh lí về tuyến giáp (chẳng hạn như bướu cổ).

Ảnh hưởng chu kỳ kinh lên cơ thể

Các hormone trong cơ thể dao động trong chu kỳ kinh nguyệt, điều này gây ra một loạt các thay đổi về tâm sinh lý.

Hội chứng tiền hành kinh (PMS) là một nhóm các triệu chứng thường xảy ra trước khi hành kinh, bao gồm:

  • Cảm thấy đầy hơi;
  • Căng tức đầu ngực;
  • Thay đổi cảm xúc;
  • Bứt rứt, khó chịu;
  • Xuất hiện mụn hoặc da nhờn hơn bình thường;
  • Giảm hứng thú tình dục.

Hội chứng tiền hành kinh có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác của cơ thể. Ví dụ như:

  • Trầm cảm và rối loạn lo âu: Hội chứng tiền hành kinh đôi khi làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn trước khi hành kinh.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Trước khi hành kinh, các khó chịu như đầy hơi hay đau bụng co thắt thường trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Hội chứng mệt mỏi mạn tính: Hội chứng tiền hành kinh có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh lý này.
  • Hội chứng viêm bàng quang kẽ: triệu chứng sẽ nặng nề hơn khi kèm theo PMS.

Thông thường, các triệu chứng của PMS sẽ trở nên khó chịu nhiều hơn ở độ tuổi 40 – 50, đặc biệt là giai đoạn sắp mãn kinh.

Điều gì có thể ảnh hưởng đển chu kỳ kinh?

Chu kỳ kinh nguyệt thường thay đổi theo thời gian – có người kéo dài ra hoặc ngắn lại.

Những thay đổi này thường không phải là hậu quả của một bệnh lý nào cả. Tuy nhiên, vẫn nên đi khám bác sĩ khi có bất kỳ sự thay đổi nào của chu kỳ kinh nguyệt. Một vài yếu tố ảnh hưởng đến độ dài của chu kỳ kinh nguyệt:

  • Vỉ thuốc ngừa thai tháng: Thuốc ngừa thai giúp kiểm soát sự đều đặn của chu kỳ kinh;
  • Hút thuốc lá: Theo nghiên cứu năm 2014, hút thuốc làm thay đổi sự tác động của các hormone liên quan chu kỳ kinh. Từ đó, làm thay đổi chu kỳ hành kinh;
  • Stress: Căng thẳng làm thay đổi nồng độ của các hormone sinh dục nữ;
  • Cân nặng: Những phụ nữ béo phì có tỷ lệ cao bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Triệu chứng rất thường gặp của PCOS là rối loạn kinh nguyệt;
  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung thường gây ra xuất huyết giữa chu kỳ với mức độ từ ít đến trung bình, đôi khi cũng xuất hiện xuất huyết mức độ nặng;
  • Mang thai: Mang thai sẽ tạm dừng chu kỳ kinh mặc dù thời điểm đầu thai kì có thể ra máu lượng ít – rất dễ nhầm lẫn với việc hành kinh;
  • Mãn kinh: Hết kinh đánh dấu bắt đầu giai đoạn mãn kinh.

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?

Việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt được thực hiện với khá nhiều mục đích. Theo các nghiên cứu từ năm 2017, các lý do chính của việc theo dõi chu kỳ kinh bao gồm:

  • Để đánh giá cơ thể đang hoạt động như thế nào;
  • Để hiểu rõ hơn về các phản ứng của cơ thể;
  • Để chuẩn bị cho thời điểm hành kinh;
  • Để ngừa thai hoặc hỗ trợ cho việc thụ thai;
  • Để có thể cung cấp thông tin cho các nhân viên y tế.

Có thể lựa chọn các phương pháp bên dưới để theo dõi chu kỳ:

  • Ứng dụng điện thoại: Những ứng dụng có thể giúp dự đoán thời điểm hành kinh tiếp theo.
  • Lịch: Một vài người sử dụng lịch điện tử hoặc lịch giấy để theo dõi chu kỳ kinh.
  • Viên thuốc ngừa thai: Một vài loại thuốc giúp điều hòa lại chu kỳ kinh nguyệt, giúp dễ dự đoán ngày hành kinh tiếp theo.

Làm thế nào để kiểm soát chu kỳ kinh?

Một loạt các công cụ và chiến lược có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, trong một số trường hợp cũng có thể làm giảm khó chịu do PMS gây ra.

Các phương pháp có thể thực hiện tại nhà

Để giảm khó chịu do PMS và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, bạn có thể:

  • Dành nhiều thời gian thư giãn;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Tập thở và tập Yoga.

Các biện pháp y tế:

Một chu kỳ bị rối loạn không phải luôn luôn là dấu hiệu của bệnh lý. Tuy nhiên, nếu như các chu kỳ bị rối loạn thuộc dạng kinh rất ít hoặc rất nhiều hãy đến gặp Bác sĩ.

Để ổn định lại chu kỳ kinh, nhiều người lựa chọn sử dụng vỉ thuốc ngừa thai. Bên cạnh tác dụng chính của thuốc là để ngừa thai, có đến 14% bệnh nhân sử dụng vỉ thuốc ngừa thai cho các mục đích khác như là giúp điều hòa chu kỳ hoặc làm giảm khó chịu do PMS.

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy bất kì sự thay đổi của chu kỳ đều nên đi gặp Bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân bị đau dữ dội hoặc chảy máu nhiều (cường kinh).

Nếu bệnh nhân bị cường kinh hoặc rong kinh, những động tác đầu tiên của Bác sĩ được thực hiện nhằm xác định bệnh nhân có đang bị sảy thai hay gặp bệnh lý nào đó, như là lạc nội mạc tử cung.

Tóm tắt

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ dài của chu kỳ kinh nguyệt. Một trong số chúng là stress, thay đổi cân nặng, hút thuốc lá và sử dụng các loại thuốc. Với những bệnh nhân mong muốn điều hòa lại chu kỳ kinh của mình, có thể tham khảo ý kiến Bác sĩ và sử dụng vỉ thuốc ngừa thai.

Thông thường, các Bác sĩ sẽ hỏi them các thông tin để tìm ra nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt và yêu cầu bệnh nhân tự theo dõi chu kỳ của mình bằng cách sử dụng lịch hoặc các ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên vẫn có những thời điểm mà chu kỳ kinh rối loạn là một việc rất bình thường, đó là thời điểm bắt đầu hành kinh và giai đoạn tiền mãn kinh.

Trong những trường hợp khác, nếu bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang hoặc vấn đề về tuyến giáp gây ra rối loạn kinh nguyệt, họ cần phải được thăm khám bởi Bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm: Các nguyên nhân gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top