✴️ Vị thuốc Tần giao

Nội dung

Tần giao là rễ phơi khô của cây tần giao (Gentiana dahurica Fisch.), thuộc họ Long đởm (Gentianaceae). Tần giao chứa alcaloid (Gentanin, gentianin, gentianidin…) và tinh dầu. Tần giao vị đắng cay, tính hơi hàn; vào các kinh vị, đại trường, can, đởm. Có tác dụng trừ phong thấp, thanh hư nhiệt, thư cân hoạt lạc.

 

Đặc điểm sinh thái

+ Mô tả:

Cây tần giao là loại cây nhỏ, sống lâu năm. Thân cây có thân tròn, hình trụ. Rễ cái to và có nhiều rễ con, rễ có màu trắng ngà hoặc màu vàng sáng. Lá có hình trứng gà, có phiến to, mặt lá có các gân song song. Hoa có màu hơi tim tím.

+ Phân bố:

Cây tần giao được mọc hoang hoặc trồng nhiều ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như Quảng Đông, Đài Loan, Đông Bắc,… và một số nước khác như Ấn Độ, Triều Tiên, Indonexia,… Dược liệu này được tìm thấy rải rác các tỉnh thuộc nước ta, thường là mọc hoang ở bụi hoang, bãi đất trống.

Tần giao được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Trừ phong, giảm đau: trị các chứng phong thấp, đau khớp, thiên về phong tà, bắp thịt tê buốt, chân tay co quắp.

Trong y học cổ truyền, tần giao là vị thuốc trị các chứng phong thấp tý thống, cốt chưng triều nhiệt; tác dụng trừ phong giảm đau thì tốt hơn. Liều dùng: 4 - 12g.

 

Một số bài thuốc

Bài 1: tần giao, bạch chỉ, vỏ cây vông, nhũ hương, độc hoạt, nhân hạt đào, hoàng bá, uy linh tiên mỗi loại 12g;  xuyên khung 8g, hán phòng kỷ 16g. Sắc uống. Trị thấp khớp, đau nhức các khớp xương hoặc chân tay co quắp.

Bài 2: tần giao 12g; thạch cao, cam thảo, xuyên khung, đương quy, độc hoạt, bạch thược mỗi loại 8g; khương hoạt, phòng phong, hoàng cầm, bạch chỉ, sinh địa, thục địa, bạch linh mỗi loại 4g; tế tân 2g. Các vị tán thành bột. Mỗi lần dùng 40g, hãm bỏ bã, uống nóng. Tác dụng: khu phong, thanh nhiệt, điều lý khí huyết. Chữa phong tà mới vào kinh lạc nhưng chưa ở một kinh nào, chân tay không vận động được, lưỡi cứng nói khó.

Thanh hư nhiệt, thư cân hoạt lạc: Trị các chứng sốt về chiều, nóng hâm hấp trong xương do thấp nhiệt chứa trong người.

Bài 1: Thuốc bột tần giao, mai ba ba: tần giao, tri mẫu, đương quy mỗi loại 20g; mai ba ba, địa cốt bì, sài hồ mỗi loại 32g. Các vị nghiền chung thành bột mịn. Lấy 20g bột sắc với ô mai 1 quả, thanh cao 12g. Uống lúc gần đi ngủ. Trị sốt về buổi chiều, nóng hâm hấp trong xương.

Bài 2: tần giao 12g, địa cốt bì 12g, thanh cao 8g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị các chứng bệnh trên. Trị hư lao, buổi chiều hơi sốt, khi đi ngủ hay ra mồ hôi.

Bài 3: tần giao, thanh hao, miết giáp, tri mẫu, địa cốt bì mỗi loại 12g. Sắc uống. Trị sốt về chiều do âm hư.

Bài 4: tần giao 4 - 6g, cam thảo chích 2 - 4g, bạc hà diệp 2 - 4g. Các vị tán bột. Hãm bỏ bã, uống ấm. Trị trẻ nhỏ phát sốt.

Kiêng kỵ: Người chân tay đau nhức lâu ngày do khí huyết hư hao, không thể nuôi dưỡng được gân không dùng tần giao.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top