Có ý kiến cho rằng sốt là biểu hiện của cơ thể khi hệ miễn dịch bẩm sinh (thụ động) làm việc để chống lại tác nhân gây bệnh. Việc xông hơi (bằng nồi lá xông) theo y học cổ truyền khiến cho cơ thể ở trong trạng thái giống như sốt, đánh thức hệ miễn dịch. Điều này có đúng không? Vì sao sau khi xông hơi, chúng ta cảm thấy khỏe hơn?
Xông hơi có thể đem lại các lợi ích sức khỏe bao gồm giải độc, tăng cường chuyển hóa, giảm cân, tăng lưu thông máu, giảm đau, chống lão hóa, trẻ hóa da, cải thiện chức năng tim mạch, cải thiện chức năng miễn dịch, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát căng thẳng và thư giãn. Việc tiếp xúc với nguồn nhiệt trong thời gian ngắn làm tăng nhiệt độ của da và nhiệt độ trung tâm của cơ thể làm hoạt hóa trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi và hệ thống thần kinh trung ương từ đó làm hoạt hóa hệ thần kinh tự động. Sự hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm, trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, hoạt hóa hệ renin-angiotensin-aldosterone dẫn đến tạo hiệu ứng tốt lên hệ tim mạch làm tăng nhịp tim, tăng máu lưu thông đến da, tăng cung lượng tim, và tăng ra mồ hôi. Ở cấp độ tế bào, việc tăng nhiệt độ cấp toàn thân làm thúc đẩy sản xuất các protein sốc nhiệt, giảm các gốc oxi hóa, giảm stress oxi hóa, giảm viêm, tăng nitric oxide, tăng nhạy cảm insulin. Xông hơi theo y học cổ truyền ngoài tác dụng nhiệt do hơi nước nóng, còn có tác dụng của các hoạt chất từ thảo dược, đặc biệt là tnh dầu theo hơi nước tác động đến cơ thể. Các tinh dầu có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, dãn cơ trơn đường hô hấp, ngoài ra còn tác động lên thần kinh trung ương làm giảm stress, giảm đau. Theo Christopher E Ekpenyong và cộng sự (2015), tổng hợp các nghiên cứu cho thấy tác dụng sinh học của tinh dầu sả: tác động thần kinh (giảm đau, giảm stress, bảo vệ thần kinh, chống động kinh), tác dụng kháng sinh (như Escherichia coli, Proteus vulgaris, Klebsiella pneumonia, …), kháng viêm giảm đau, chống oxi hóa và thu dọn gốc tự do, làm giảm đường huyết, kháng kết tập tiểu cầu, tác động lên tim mạch (giảm nhịp tim, chống tăng huyết áp), ức chế sinh ung, chống béo phì. Theo thống kê của nhóm tác giả Neda Nayebi và cộng sự (2017) có 12 nghiên cứu trên người, 21 nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và 30 nghiên cứu in vitro về tác dụng của hoa hồng Rosa damascena Mill. Các nghiên cứu trên in vitro cho thấy tác dụng: kháng viêm, kháng khuẩn, kháng tế bào ung thư, kháng oxi hóa, bảo vệ thần kinh và tăng cường trí nhớ, tác động lên tim mạch (tăng huyết áp, ức chế men tổng hợp cholesterol), kháng tia UV, ức chế vi khuẩn sinh mụn Propionibacterium acnes. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy tác dụng như: tác động lên thần kinh (chống động kinh, bảo vệ thần kinh, tăng cường trí nhớ, giảm đau, thư giãn, chống trầm cảm), kháng viêm, tác động lên tim mạch (giảm lipid máu), kháng sinh, chống oxi hóa, chống đái tháo đường. Các nghiên cứu trên người cho thấy hiệu quả ban đầu trên: tác động giảm đau (đau vết thương bỏng, đau bụng kinh, đau hậu phẫu), cải thiện khó thở trên trẻ sơ sinh, tăng testosterone, kháng trầm cẩm, tác động thư giãn.
Thế nào là cách xông hơi đúng chuẩn? Dường như thành phần nồi lá xông ở mỗi địa phương sẽ khác nhau đôi chút, điều này có ảnh hưởng đến hiệu quả hay không? Trường hợp nào thì bệnh nhân nên và không nên xông hơi?
Thời gian xông trung bình từ 5 đến 15 phút, nhiệt độ từ khoảng 70-80 oC (cho nồi xông cá nhân – trùm chăn) Tác dụng của xông hơi theo y học cổ truyền gồm tác dụng nhiệt và tác dụng của dược liệu. Do đó tùy tình trạng bệnh mà thành phần dược liệu sẽ khác nhau, không thể giống nhau. Đối với cảm phong hàn: Sinh khương, Khương hoạt, Hương nhu, Phòng phong, Kinh giới, Tân di, Tô diệp, Gừng, Xã…. Đối với cảm phong nhiệt: Bạc hà, Kinh giới, Tía tô, Vỏ quít, Vỏ bưởi, Lá Bưởi, Gừng, Sả, … Theo y học cổ truyền, xông hơi được dùng trong các bệnh lý cảm lạnh thông thường, trong một số bệnh da liễu và ngoại khoa cần điều trị tại chỗ như chàm, mề đay, trĩ, … Vì xông hơi gây ra mồ hôi dẫn đến mất nước và điện giải, đối với các bệnh nhân có tình trạng mất nước (như tiêu chảy, ra mồ hôi nhiều, mất máu cấp, vận động viên tập luyện nhiều có mất nước), hoặc có tình trạng rối loạn điện giải do bệnh lý hoặc do thuốc (như thuốc lợi tiểu, bệnh thận mạn).
Hiện trên các trang mạng có giới thiệu sản phẩm khẩu trang ướp tinh dầu sả, tinh dầu tràm, … sẽ giúp ngăn ngừa việc lây bệnh COVID-19 tốt hơn; cũng có ý kiến nên dùng tinh dầu xông trong nhà. Tinh dầu có thể giúp ngăn chặn việc lây nhiễm vi trùng, virus không?
Tinh dầu xả (Cymbopogon citratus) có thể ức chế tăng sinh HSV1 trên in vitro khi cho tương tác trực tiếp với virus ở 42oC trong 24 giờ. Hiện chưa có dữ liệu báo cáo về độc tính của tinh dầu xả, tuy nhiên kinh nghiệm dân gian thường xử dụng để phòng và trị cảm lạnh. Chưa có nghiên cứu nào báo cáo cho thấy tinh dầu xả giúp ngăn ngừa việc lây nhiễm siêu vi trên người kể cả siêu vi Cúm thông thường và COVID-19. Tinh dầu tràm (Melaleuca Leucadendron) cho đến hiện nay chỉ được báo cáo trên thực nghiệm về tác dụng kháng viêm, kháng oxi hóa, kháng virus HSV-1. Ngoài ra còn tác dụng xua các loài muỗi như Aedes, Anopheles, và Culex. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào báo cáo tinh dầu tràm có thể ngăn ngừa lây nhiễm Cúm nói chung.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh