LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRUYỀN MÁU THẾ GIỚI
Tất cả các thành công của truyền máu đều được bắt đầu ở thế kỷ XIX, và phát triển mạnh ở thế kỷ XX. Để đi đến thành công ngày nay, truyền máu đã trải qua bao thăng trầm. Bắt đầu từ thế kỷ XVII, khởi đầu bằng lời kêu cứu truyền máu của Florentin ở Francisco (1654), lời kêu cứu này đã thức tỉnh sự chú ý của nhiều người đến cứu sống các bệnh nhân thiếu máu bằng truyền máu. Nền tảng cho nghiên cứu về truyền máu được bắt đầu từ kết quả nghiên cứu giải phẫu của Williams Harvey ông đã chứng minh rằng máu chảy trong hệ tuần hoàn, có hai hệ thống: động mạch đẩy máu đi và tĩnh mạch đưa máu trở lại tim. Nhờ vậy có thể lấy máu ra khỏi cơ thể và cũng có thể đưa máu vào hệ tuần hoàn qua hệ thống mạch máu.
Từ hiểu biết trên đây, nhóm nghiên cứu của Richard Lower (1662 oxford, Mỹ) đã nghiên cứu thực nghiệm bằng cách truyền các dịch vô hại vào tĩnh mạch của động vật, rồi ông lấy máu tự thân truyền cho chính động vật đó, tất cả đều vô hại. Sau đó nhóm nghiên cứu đã lấy máu từ động mạch của chó A truyền trực tiếp vào tĩnh mạch cho chó B. Sau truyền máu, chó B vẫn sống. Kết quả này đã được đăng tải ở báo Philosophical Transfusion of the Royal Society (London 1665). Cũng trong thời gian này, các nhà nghiên cứu ở London cũng tiến hành các nghiên cứu tương tự. Ở Pháp, được sự bảo trợ của Vua Louis XIV và Viện Hàn lâm khoa học Paris, Danis đã tiến hành đầu tiên truyền máu động vật cho người. Danis đã lấy máu của cừu non truyền cho người đó là một cháu trai 15 tuổi bị thiếu máu (1667). Kết quả này đã khích lệ nhiều người nghiên cứu lấy máu của động vật khác loài (Heterogeneous Transíusion) truyền cho người, như máu dê, máu bê non. Nhưng tiếc thay, đây chỉ là một trường hợp đầu tiên, các nghiên cứu sau này đều thất bại, hầu hết bệnh nhân tử vong do phản ứng truyền máu gây nên.
Qua nhiều năm bàn cãi về truyền máu động vật cho người, và cái chết của bệnh nhân do truyền máu là bằng chứng để Chính phủ các nước không cho phép nghiên cứu về truyền máu động vật cho người. Từ đây truyền máu đã bị lắng xuống và ngủ dài trong 150 năm (từ nửa cuối thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII).
Sang thế kỷ thứ XIX: Năm 1818 Blundell (1790 - 1877) đã làm sống lại truyền máu. Ông đã tiến hành truyền máu trực tiếp từ người sang người. Dùng kim chọc vào động mạch người cho, qua dây dẫn máu chảy vào tĩnh mạch người nhận. Sau đó ông đã cải tiến truyền máu bằng xiranh trên súc vật, kết quả cho thấy có thể áp dụng trên người. Cũng thời gian đó ở Pháp Dumas tiến hành truyền máu động vật cho động vật, kết quả động vật được truyền máu chết sau 6 ngày. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự.
Các kết quả trên đã giúp cho Blundell đặt kế hoạch chi tiết truyền máu người cho người. Người đầu tiên là một bệnh nhân ung thư, sau truyền máu 2 ngày bệnh nhân tử vong, may thay, đây là một bệnh nhân ung thư có uống thạch tín để tự tử, nên cái chết này qua đi nhanh chóng. Người thứ hai là một phụ nữ chảy máu sau đẻ, truyền máu có kết quả. Tất cả Bundell đã truyền máu người cho 10 người khác bằng xiranh, 5 người sống và 5 người tử vong. Các bệnh nhân đều được ghi chép tỉ mỉ và ông đã kết luận rằng, truyền máu động vật cho người là không được, truyền máu người cho người có kết quả ở một số bệnh nhân. Kết quả này phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố kỹ thuật, máu đông, bơm tiêm truyền máu và sự khác nhau giữa các cố thể trong cùng một loài...Đây là kết luận rất quan trọng cho nghiên cứu tiếp theo.
Tới thế kỷ XX: Vấn để bí ẩn của truyền máu đã được mở ra.
Công trình khoa học có giá trị nhất, lợi ích nhất trong truyền máu là sự phát minh ra các kháng nguyên hệ hồng cầu và nhóm máu của Karl Landsteiner (người Áo, 1868 - 1943).
Năm 1900, khi nghiên cứu quan hệ giữa hồng cầu và huyết thanh của người, Landsteiner nhận thấy huyết thanh của một số người làm ngưng kết hồng cầu của các cá thể khác, nhưng hồng cầu của một số người khác lại không bị ngưng kết. Sau hàng ngàn thí nghiệm, năm 1901 ông đã kết luận huyết thanh của nhóm người (ký hiệu A) gây ngưng kết hồng cầu của một nhóm người khác (ký hiệu là B), nhưng không gây ngưng kết hồng cầu của người cùng nhóm A; hồng cầu của người nhóm A lại bị ngưng kết bởi huyết thanh người nhóm B. Huyết thanh của nhóm người thứ 3 (ký hiệu là C) lại gây ngưng kết hồng cầu của cả người nhóm A và B, hồng cầu của nhóm C lại không bị ngưng kết bởi huyết thanh của người nhóm A và B. Từ đó ông đã xây dựng được 3 nhóm người có đặc điểm ngưng kết riêng và gọi là nhóm A, B, C (nhóm C sau này gọi là O). Đó là người có hồng cầu A thì trong huyết thanh không có ngưng kết tố A (nhóm A); người có hồng cầu B thì không có ngưng kết tố B; người có cả ngưng kết tố A và B trong huyết thanh thì hồng cầu không có kháng nguyên A và B (nhóm O). Một năm sau (1902) Decastello đã chứng minh nhóm thứ 4, hồng cầu của người này không có ngưng kết tố A và B, nhưng lại có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B. Như vậy Landsteiner và học trò đã xây dựng được 4 nhóm máu A, B, AB và 0, gọi tắt là hệ nhóm máu ABO. Từ đây ông đã đưa ra quy tắc truyền máu của hệ nhóm máu ABO. Tiếp theo (1913) Otten Berg đã chứng minh rằng, thử nghiệm trước truyền máu (Preliminary blood testing) đã bảo vệ được các phản ứng do truyền máu và cũng từ đây công tác truyền máu đã phát triển mạnh. Có thể coi phát minh của Landsteiner và các cộng tác của ông như ngọn đèn sáng chiếu vào phòng tối. Bởi vì ông đã mở ra các điểu bí ẩn truyền máu người cho người gây tử vong và tạo dựng các hướng nghiên cứu mới: Miễn dịch huyết học, miễn dịch ghép, di truyền, nguồn gốc loài người và y học pháp lý. Giá trị lớn hơn là cứu hàng triệu triệu người thiếu máu nhờ quy tắc truyền máu của Landsteiner. Với phát minh vĩ đại này Landsteiner đã được tặng Giải thưởng Nobel y học (1930).
Từ năm 1927 - 1947 Landsteiner và học trò phát hiện thêm các hệ nhóm máu ngoài ABO, đó là M, N, P... và vào năm 1940 phát hiện hệ Rh (Rhesus). Đồng thời tác giả đã tạo được trên thực nghiệm kháng thể chống Rh bằng cách mẫn cảm hồng cầu khỉ cho thỏ, rồi thấy huyết thanh thỏ gây ngưng kết > 85% hồng cầu người, nhóm này có kháng nguyên Rh, gọi là Rh dương (Rh+); Số còn lại (không phản ứng) là nhóm hồng cầu không có kháng nguyên Rh, gọi là Rh âm (Rh-).
Cuối đời (vào khoảng 1940 -1950) Landsteiner và học trò phát hiện di truyền nhóm máu giữa bố, mẹ và con. Đồng thời qua nhiều thí nghiệm ông đã đưa ra kết luận: các hệ M, N, P và Rh không có kháng thể tự nhiên, kháng thể chống kháng nguyên này chỉ có thể nhận được từ mẹ chửa đẻ nhiều lần, hoặc người được truyền máu nhiều lần. Vì vậy ngày nay chúng ta gọi đó là kháng thể miễn dịch, còn kháng thể đặc hiệu của hệ nhóm máu ABO là kháng thể tự nhiên, chúng có sẵn từ thòi kỳ phát triển phôi.
Cũng trong thời gian này, Landsteiner và Weiner đã thu hoạch huyết thanh thỏ được mẫn cảm bởi hồng cầu khỉ Rhesus (Rh+) so sánh với huyết thanh của bệnh nhân gây phản ứng truyền máu ngoài hệ ABO, kết quả thấy phản ứng (+) và âm tính tương tự như huyết thanh thỏ kháng hồng cầu khỉ (Rhesus). Đây là cơ sở để các tác giả bàn tới khả năng dùng globulin miễn dịch Rh bảo vệ bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh. Đây là tiến bộ mới, đựơc coi như công trình thế kỷ trong công tốc bảo vệ sức khoẻ con người.
Xem tiếp: Lịch sử phát triển truyền máu thế giới và những tiến bộ về truyền máu ở Việt Nam (P2)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh