✴️ Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến trầm cảm như thế nào?

Nội dung

Parkinson và trầm cảm liên quan như thế nào?

Tâm lý của một người có thể bị thay đổi thì bản thân họ biết mình được chẩn đoán mắc bệnh, trong đó có Parkinson, tuy nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa là một người bị trầm cảm.

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của một người và khoảng 50% những người được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson bị trầm cảm.

Trầm cảm được coi là một triệu chứng của bệnh Parkinson giống như run không chủ ý. Cả hai đều do những thay đổi trong chất hóa học của não.

Nghiên cứu của National Parkinson Foundation đã so sánh tác động của tâm trạng, trầm cảm và lo lắng với các triệu chứng thể chất của bệnh Parkinson cho thấy các triệu chứng tâm lý của tình trạng này có thể có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của một người hơn là những triệu chứng về thể chất.

Sự thay đổi của các chất ở não trong bệnh Parkinson

Trong bệnh Parkinson có sự suy giảm sản xuất dopamine trong vùng đặt chất đen (Substantia nigra pars compacta) của não. Dopamine có ảnh hưởng đến cách di chuyển của một người. Dopamine giảm dẫn đến các triệu chứng thực thể của bệnh Parkinson.

Ngoài ra, mức serotonin giảm có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của một người và có thể khiến họ bị trầm cảm.

Những nghiên cứu cho biết điều gì?

Một người có thể bị trầm cảm trước bất kỳ triệu chứng thể chất nào của bệnh Parkinson. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 3,24 lần.

Một nghiên cứu sâu hơn vào năm 2015 đã xác định rằng trầm cảm có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh Parkinson hoặc một yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này.

Các nhà khoa học tại Quỹ Michael J. Fox tin rằng mức độ giảm của serotonin trong não của những người được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson gây ra trầm cảm. Nghiên cứu để chứng minh mối liên hệ này đang được tiến hành.

Các triệu chứng của bệnh diễn ra như thế nào?

Các triệu chứng thực thể của bệnh Parkinson bao gồm:

  • Run không chủ động ở các bộ phận của cơ thể;
  • Co cứng cơ;
  • Khó khăn trong việc di chuyển;
  • Khó giữ thăng bằng;
  • Những người được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson cũng có thể bị trầm cảm và lo lắng.

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm bao gồm:

  • Buồn liên tục kéo dài hơn 2 tuần;
  • Cảm thấy tuyệt vọng hoặc cảm giác mọi thứ đều vô nghĩa;
  • Cảm thấy tội lỗi, tự trách hoặc cảm thấy bản thân vô dụng;
  • Mất cảm giác thích thú với các hoạt động trước đó;
  • Khóc không có lý do;
  • Thay đổi thói quen ngủ;
  • Ăn quá nhiều hoặc quá ít;
  • Cảm thấy rất mệt mỏi và thiếu năng lượng;
  • Có suy nghĩ tự tử hoặc tự hành hạ bản thân;
  • Cảm thấy ít có thời gian để thực hiện một số công việc hằng ngày.

các triệu chứng của parkinson

Các triệu chứng của lo âu bao gồm:

  • Lo lắng kéo dài;
  • Cảm thấy bồn chồn;
  • Sợ hãi;
  • Khó tập trung.

Chẩn đoán

Vì người mắc bệnh Parkinson thường bị trầm cảm, bác sĩ sẽ thường đặt câu hỏi về vấn đề này khi thảo luận về tình trạng của họ. Bệnh nhân có thể cảm thấy các dấu hiệu trầm cảm là một dấu hiệu của sự suy sụp, yếu đuối về tinh thần, nhưng thực tế thì không phải vậy. Tuy nhiên, một người có thể cảm thấy khó khăn khi nói về những thay đổi trong tâm trạng với bác sĩ, do đó việc người thân hoặc bạn bè có thể đi cùng có thể trợ giúp bác sĩ nắm bắt được các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải.

Chia sẻ cả về các triệu chứng thể chất và tâm lý của bệnh Parkinson với bác sĩ là điều cần thiết để họ có thể kê đơn phương pháp điều trị phù hợp.

Tình trạng này được quản lý và điều trị như thế nào?

Các phương pháp điều trị sau đây có thể giúp những người mắc bệnh Parkinson kiểm soát chứng trầm cảm:

  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm;
  • Tập thể dục;
  • Tư vấn tâm lý.

Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy hai loại thuốc chống trầm cảm có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm ở những người mắc bệnh Parkinson bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI);
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI).

Có nhiều nhãn hiệu khác nhau của các loại thuốc chống trầm cảm này. Việc người bệnh sử dụng loại thuốc nào sẽ do bác sĩ điều trị chỉ định. Ngoài ra, các biện pháp sau có thể giúp một người kiểm soát chứng trầm cảm:

  • Lập kế hoạch cho những mục tiêu nhỏ có thể đạt được mỗi ngày;
  • Gặp gỡ bạn bè và gia đình thường xuyên;
  • Cố gắng duy trì các hoạt động giải trí;
  • Tìm hiểu thêm về bệnh trầm cảm và cố gắng trao đổi với bạn thân hoặc người thân.

Tóm tắt

Thông thường một người được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson sẽ có các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh các triệu chứng thể chất, trầm cảm cũng có thể có nhiều tác động làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một triệu chứng tâm lý của bệnh mà các bác sĩ tin rằng là do những thay đổi trong chất hóa học của não.

May mắn thay, có những phương pháp điều trị có thể giúp những người bị bệnh Parkinson kiểm soát chứng trầm cảm. Vì vậy, điều quan trọng đối với một người bị bệnh Parkinson là thảo luận về bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào với bác sĩ để có những tư vấn hỗ trợ điều trị phù hợp.

Xem thêm: Bệnh Parkinson khởi phát sớm là gì?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top