✴️ Chứng lười đi tiêu

Thuật ngữ "lười đi tiêu" để chỉ quá trình tiêu hóa kém hay chậm đi tiêu. Chậm tiêu là một tình trạng có thể là bình thường chứ không hẳn là một bệnh. Một người bị chậm tiêu có thể gặp các triệu chứng khác như ít đi cầu, táo bón.

Bài viết trình bày một số nguyên nhân gây ra chứng lười đi tiêu và các triệu chứng khác có thể đi kèm cũng như một số điều trị hỗ trợ tiêu hóa thích hợp giúp giảm bớt các triệu chứng.

Chứng lười đi tiêu có phải là bệnh thực thể?

Chậm tiêu không phải là bệnh. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng thuật ngữ này để chỉ sự tiêu hóa kém của ruột.

Tiêu hóa chậm dẫn đến ít đi cầu, phân bị mất nước và tích tụ ở đại tràng, điều này khiến phân cứng và khó đi ra hơn. Chính vì thế chứng chậm tiêu có thể dẫn đến các biến chứng như trĩ và đau khi đi cầu .

Một số người bị chậm tiêu sau khi sử dụng thuốc nhuận tràng kéo dài:

  • Dầu thầu dầu;
  • Senna;
  • Bisacodyl;

Thuốc nhuận tràng kích thích nhu động ruột giúp lưu thông thức ăn trong đường tiêu hóa. Theo thời gian, cơ thể trở nên phụ thuộc vào kích thích này và trở nên kháng thuốc.

Tuy nhiên, một số người có thể cần sử dụng thuốc nhuận tràng ở một số trường hợp cho nên điều quan trọng là sử dụng liều lượng thấp nhất có thể và trong một thời gian ngắn.

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể đi kèm chứng chậm tiêu:

  • Cảm giác muốn đi cầu thường xuyên nhưng không đi được
  • Đi tiêu ít hơn một vài lần một tuần và đi lượng phân ít
  • Chướng bụng và đau
  • Buồn nôn

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân gây chứng chậm tiêu và táo bón:

  • Sử dụng thuốc nhuận tràng:  Sử dụng thuốc nhuận tràng kéo dài sẽ gây phụ thuộc thuốc và kháng thuốc.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như opioid, có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây táo bón.
  • Chất xơ: Ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm táo bón, nhưng quá nhiều có thể làm bệnh nặng nề hơn. Chất xơ làm tăng lượng phân trong trực tràng nên đối với người bị táo bón sẽ khiến phân to hơn và khó đi ra hơn.
  • Tắc nghẽn cơ học: các tắc nghẽn cơ học như u, viêm, sỏi phân… là nguyên nhân gây tắc ruột
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): IBS gây táo bón xen kẽ với tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều bằng chứng đầy đủ cho nguyên nhân gây ra IBS. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thấy IBS tăng độ nhạy cảm ở ruột và gây nên các triệu chứng.
  • Bệnh tuyến giáp: Một số người suy giáp bị táo bón mãn tính và tiêu hóa chậm.
  • Tổn thương dây thần kinh: Tổn thương các dây thần kinh có thể làm chậm quá trình tiêu hóa gây ra chứng chậm tiêu hoặc táo bón. Các chấn thương thần kinh như tủy sống hoặc nhu mô não cũng có thể liên quan.

lười đi cầu

Tiêu hóa chậm không phải là nguyên nhân duy nhất gây táo bón. Một số nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm:

  • Thói quen đi tiêu không lành mạnh như thói quen trì hoãn đi tiêu;
  • Bệnh trĩ;
  • Tổn thương cơ hậu môn;
  • Rối loạn chức năng sàn chậu;
  • Chứng sa sút trí tuệ;

Chẩn đoán

Lười đi tiêu là một triệu chứng và không phải là tình trạng bệnh lý. Các biện pháp điều trị táo như ăn nhiều chất xơ hoặc uống nhiều nước hơn có thể không hiệu quả. Do đó quan trọng là cần đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác cũng như phân biệt với các bệnh lý nguy hiểm khác.

Bác sĩ có thể khám ở trực tràng và hậu môn, đánh giá cơ sàn chậu đồng thời chỉ định các xét nghiệm và test chẩn đoán như nội soi để phát hiện bất thường trong ống tiêu hóa.

Điều trị

Việc điều trị chứng lười đi tiêu tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Đôi khi bác sĩ không xác định được nguyên nhân thực thể. Trong trường hợp này, bạn cần ghi lại các triệu chứng có đáp ứng khi thử các phương pháp điều trị gợi ý dưới đây.

Đánh giá lượng chất xơ

Tăng đáng kể lượng chất xơ trong chế độ ăn uống có thể làm cho triệu chứng tồi tệ hơn. Tuy nhiên, lượng chất xơ quá thấp có thể khiến phân cứng và khó đi ngoài.

Bạn cần được tư vấn về mức độ tiêu thụ chất xơ thích hợp với bản thân từ bác sĩ dinh dưỡng hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.

Giảm sử dụng thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng có thể khiến chứng chậm tiêu làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Giảm sử dụng thuốc nhuận tràng này và đi khám bệnh để có các phương pháp điều trị thay thế phù hợp.

Thuốc xổ

Thuốc xổ có thể giúp người bệnh đi tiêu dễ dàng. Tuy nhiên cần có chỉ định đúng từ bác sĩ và cân nhắn việc sử dụng lâu dài phương pháp điều trị này.

Phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để đặt túi thông đại tràng. Túi thông đại tràng chỉ thích hợp cho những người bị táo bón nặng và không kiểm soát được việc đi tiêu do rối loạn thần kinh.

Kích thích điện

Kích thích điện giao thoa là sử dụng các dòng điện không đau để tăng tốc độ tiêu hóa và cải thiện hoạt động của các dây thần kinh trong đường tiêu hóa. Nó có thể là một giải pháp thay thế hiệu quả cho phẫu thuật.

Tóm lược

Đôi khi người ta sử dụng thuật ngữ lười đi tiêu để chỉ chứng tiêu hóa chậm. Tiêu hóa chậm dẫn đến đi tiêu không thường xuyên hoặc táo bón. Điều này khiến phân ứ đọng và cứng hơn, đau bụng và đau khi đi tiêu.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu hóa chậm, một trong số đó là thay đổi lối sống liên tục. Đôi khi, tiêu hóa chậm lại là kết quả của một tình trạng bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị thích hợp.

Những người gặp phải các triệu chứng của táo bón, chậm tiêu nên đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị cũng như loại trừ các bệnh thực thể nguy hiểm khác.

Xem thêm: Táo bón - nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top