Tại sao phải cắt buồng trứng?
Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể được thực hiện khi bạn gặp phải các vấn đề sau:
- Áp-xe phần phụ (gồm buồng trứng và vòi trứng): là tình trạng phần phụ hình thành một túi chứa nhiều mủ do nhiễm trùng;
- Ung thư buồng trứng;
- Bệnh lý lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng;
- Khối u lành tính ở buồng trứng;
- Xoắn buồng trứng;
- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú ở những người nguy cơ cao.
Nguy cơ của việc cắt bỏ buồng trứng:
Đây được xem như một loại phẫu thuật khá an toàn. Tuy nhiên đã là phẫu thuật thì vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như:
- Chảy máu;
- Nhiễm trùng;
- Tổn thương các cơ quan xung quanh;
- Vỡ u buồng trứng kèm theo nguy cơ phát tán các tế bào ung thư;
- Còn sót mô buồng trứng sau phẫu thuật gây nên các triệu chứng như đau vùng chậu ở người phụ nữ tiền mãn kinh;
- Không có khả năng có thai tự nhiên khi 2 buồng trứng bị cắt bỏ.
Mãn kinh sau khi cắt buồng trứng
Nếu như bạn chưa mãn kinh trước phẫu thuật, sau khi cắt cả 2 buồng trứng sẽ đẩy nhanh quá trình đi vào mãn kinh. Các hormon được sản xuất từ buồng trứng như Estrogen hay Progesterone sẽ sụt giảm nhanh chóng dẫn tới các biểu hiện như:
- Những cơn bốc hỏa hoặc khô rát vùng âm đạo, các dấu hiệu của mãn kinh;
- Trầm cảm hoặc lo âu;
- Các bệnh lý tim mạch;
- Suy giảm trí nhớ;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Loãng xương.
Nếu cắt buồng trứng ở độ tuổi trước 45 có thể sẽ tăng nguy cơ mãn kinh sớm. Bạn nên trao đổi với bác sĩ rõ về các nguy cơ trong cũng như sau phẫu thuật.
Sử dụng hormone thay thế liều thấp sau phẫu thuật cho tới 50 tuổi có thể làm giảm các biểu hiện của mãn kinh sớm. Tuy nhiên sử dụng hormon thay thế cũng đi kèm theo các nguy cơ riêng của chính nó. Chính vì thế cần được thông tin đầy đủ từ bác sĩ trước khi điều trị.
Chuẩn bị như thế nào trước phẫu thuật:
Để chuẩn bị cho phẫu thuật, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn:
- Không ăn bất cứ thứ gì trước phẫu thuật cũng như hạn chế tối đa nước uống;
- Ngưng các thuốc bạn đang sử dụng;
- Thực hiện một số xét nghiệm cùng với các phương tiện hình ảnh như siêu âm để hỗ trợ phẫu thuật.
Có kế hoạch rõ ràng về mang thai
Nếu bạn vẫn còn mong muốn sanh con, bạn nên thảo luận với bác sĩ về nguyện vọng của mình. Có thể cân nhắc về phương án bảo tồn mô buồng trứng để bạn có thể có thai tự nhiên nếu đủ điều kiện sức khỏe. Hoặc bạn có thể tham vấn các chuyên gia hiếm muộn để giúp bạn có thêm các lựa chọn phù hợp.
Phẫu thuật sẽ như thế nào:
Trong phẫu thuật
Trong phẫu thuật bạn sẽ được gây mê. Phẫu thuật có thể được thực hiện theo 2 cách:
- Phẫu thuật mở bụng: bác sĩ sẽ rạch 1 đường khoảng 5-10cm trên bụng để tiếp cận buồng trứng. Sau đó tiến hành cắt buồng trứng khỏi các cấu trúc liên kết xung quanh.
- Phẫu thuật nội soi: với vài đường rạch rất nhỏ trên bụng các phẫu thuật viên sẽ sử dụng những dụng cụ với kích thước tương ứng với các đường rạch này để thao tác trong bụng của bạn. Thông qua 1 máy quay phim nhỏ sẽ đưa hình ảnh lên màn hình lớn để các bác sĩ có thể quan sát và tiến hành phẫu thuật. Buồng trứng cũng sẽ được tách khỏi các mô xung quanh và lấy ra ngoài thông qua các đường rạch trước đó.
Nếu như mở bụng có thể được thực hiện trong hầu hết các ca cắt buồng trứng thì phẫu thuật nội soi còn tùy thuộc vào nhiều đặc điểm: phương tiện máy móc, bác sĩ được đào tạo, các đặc điểm sức khỏe của bệnh nhân, ....
Phẫu thuật nội soi với ưu điểm thời gian phục hồi sau mổ rất nhanh, giảm đau sau mổ cũng như giảm thời gian nằm lại trong bệnh viện. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp đều có thể mổ nội soi được, vẫn có 1 số trường hợp nếu phẫu thuật nội soi gặp nhiều khó khăn sẽ chuyển sang mở bụng.
Sau phẫu thuật
Sau cắt buồng trứng, bạn cần phải:
- Nằm trong phòng hồi sức (hồi tỉnh) để thuốc mê hết tác dụng;
- Trở về phòng bệnh và được theo dõi tại đây từ vài giờ cho tới vài ngày, tùy theo loại phẫu thuật, trước khi xuất viện;
- Cố gắng ngồi dậy và vận động nhẹ sớm để cơ thể bạn phục hồi nhanh hơn.
Hầu hết các trường hợp phẫu thuật nội soi cắt buồng trứng có thể xuất viện sớm trong vòng 2-3 ngày.
Kết quả:
Gần như sau 2-4 tuần bạn có thể quay lại các hoạt động bình thường như trước khi phẫu thuật. Điều này có thể còn phụ thuộc vào một vài yếu tố: loại phẫu thuật, chỉ định phẫu thuật cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
Bạn nên thảo luận với bác sĩ về bài tập thể dục, mức độ hoạt động nói chung cũng như quan hệ tình dục sau khi phẫu thuật.
Xem thêm: Các nguyên nhân và điều trị đau bụng liên quan đến buồng trứng
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh